CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Yên Bái triển khai các giải pháp sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2023

Ngày đăng: 29/06/2023

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng, sự tích cực trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương cộng với sự nỗ lực của bà con nông dân vượt qua khó khăn trong việc ứng phó với biến đổi thời tiết, khí hậu, biến động thị trường, sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023 toàn tỉnh Yên Bái đã gieo trồng được 53.132 ha cây trồng các loại, dự kiến năng suất, sản lượng đều tăng so với kế hoạch và với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng diện tích lúa vụ Đông xuân gieo cấy 19.506 ha/18.970 ha, đạt 102,8% kế hoạch. Đánh giá sơ bộ, năng suất lúa Đông xuân năm nay ước đạt 56,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 109.643 tấn, sản lượng, tăng 453 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương có năng suất lúa cao như: thị xã Nghĩa Lộ 61,2 tạ/ha, Văn Chấn đạt 58,2 tạ/ha, Lục Yên 57,2 tạ/ha, Văn Yên 56,7 tạ/ha…

Đồng chí Nguyễn Đức Điển- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đứng giữa) kiểm tra sản xuất và tiến độ thu hoạch lúa vụ Đông xuân 2022 – 2023
tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên

Phát huy những kết quả đạt được trong vụ Đông xuân, sản xuất vụ Hè thu năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 137.195 tấn; trong đó, diện tích lúa mùa gieo cấy 21.960 ha, sản lượng đạt trên 107.000 tấn, diện tích gieo trồng ngô đạt trên 8.700 ha, sản lượng trên 30.200 tấn; các loại rau màu đạt trên 4.300 ha; sản lượng chè búp tươi cả năm đạt 68.500 tấn; sản lượng cây ăn quả các loại đạt 55.000 tấn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2023. Căn cứ cơ cấu giống, định hướng khung lịch thời vụ của tỉnh, các địa phương xây dựng khung lịch gieo cấy cụ thể cho từng tiểu vùng sinh thái, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện. Tận dụng tối đa đất đai, nguồn nước, huy động mọi nguồn lực gieo cấy theo khung lịch hướng dẫn phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch, đặc biệt là diện tích trà lúa Hè thu sớm khoảng 5.500 – 6.500 ha để chuẩn bị đất cho gieo trồng các loại cây vụ đông ưa ấm.

Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2022 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm 2023

Xây dựng phương án cụ thể cho công tác phòng, chống và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để ứng phó và khắc phục kịp thời nếu có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, vận hành các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, tổ chức nạo vét, tu sửa công trình từ đầu mối đến kênh dẫn đảm bảo tưới, tiêu nước vụ Hè Thu năm 2023.

Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo liên kết nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo sự đồng thuận trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp, tăng tỷ lệ các giống lúa có năng suất, chất lượng cao chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Khuyến khích áp dụng các biện pháp thâm canh, bón phân cân đối, hướng dẫn người dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến (3 giảm, 3 tăng, thâm canh lúa cải tiến (SRI)), xây dựng mô hình “cánh đồng một giống”, tăng cường sản xuất lúa và các cây trồng được cấp chứng nhận chất lượng.

Trong sản xuất ngô và các loại rau màu, các địa phương cần linh hoạt trong công tác chỉ đạo, bố trí về thời vụ phù hợp với từng vùng sinh thái, huy động tối đa quỹ đất hiện có để gieo trồng hết diện tích. Sử dụng các giống ngô lai năng suất, chất lượng, tăng cường đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp canh tác ngô bền vững trên đất dốc. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Chú trọng các vùng chuyên canh, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Đối với cây chè, cây ăn quả, cây dâu tằm, tăng cường đầu tư chăm sóc bón phân hữu cơ, phân vô cơ tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Tăng diện tích được sản xuất theo quy trình và chứng nhận VietGAP, Rainforest, Hữu cơ, An toàn vệ sinh thực phẩm… Tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Thực hiện tốt việc duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hoá đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh như: lúa, chè, cây ăn quả có múi…, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng. Đầu tư, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. 

Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), cung ứng đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất. Sử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, cung ứng hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người sản xuất và sản xuất nông nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận, đăng ký, tham gia thụ hưởng chính sách theo quy định.

Phát huy thắng lợi trong sản xuất vụ Đông xuân, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chuyên môn của ngành và các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, sản xuất vụ Hè thu sẽ tiếp tục giành thắng lợi và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2023 của tỉnh Yên Bái./.

     ThS. Nguyễn Thị Ngà

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

 


Bài viết mới nhất: