CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Thu hồi mã số vùng trồng, đừng để “Giữ vàng lại để vàng rơi”

Ngày đăng: 01/12/2023

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Thiết lập được mã số vùng trồng (được xem như tấm “hộ chiếu” cho xuất khẩu nông sản) vốn đã rất khó khăn, nhưng nếu buông lỏng quản lý, không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật thì sẽ dẫn đến tình trạng các lô hàng nông sản xuất khẩu không đáp ứng được quy định của thị trường nhập khẩu, gây ra không ít hệ lụy khác. Bởi lẽ, không chỉ có những mã số vùng trồng tạm dừng mà còn bị thu hồi, công sức của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không mang lại hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Gây thiệt hại về kinh tế cho chính người dân và doanh nghiệp.

Để đảm bảo việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ Trung Quốc; đồng thời để quản lý tốt và hiệu quả các đối tượng KDTV ngay từ các vùng trồng và CSĐG, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản 4835/BNN-BVTV ngày 21/7/2023 về việc kiểm soát đối tượng KDTV tại các vùng trồng, CSĐG xuất khẩu và tại các cửa khẩu. Ngày 06/9/2023, Bộ đã ban hành văn bản 6203/TB-BNN-VP Thông báo kết luận của thứ trưởng Hoàng Trung tại Hội nghị “Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”. Thứ trưởng yêu cầu các Cục, ban ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giữ vững thị trường nông sản xuất khẩu mà chúng ta đã mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa. Thứ trưởng chỉ đạo các vùng trồng, cơ sở đóng gói phải thực hiện tốt các nội dung:

Các cơ sở đóng gói phải bố trí nhân sự để thực hiện kiểm soát theo đúng quy định; Chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu.

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; Chủ động tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu.

Phối hợp với các cơ quan quản lý của địa phương để thực hiện giám sát vùng trồng, CSĐG theo đúng quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất tại vùng trồng và người lao động tại CSĐG để nắm được các quy định và yêu cầu về MSVT, CSĐG của các nước nhập khẩu.

Chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Thường xuyên cập nhật website http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để nắm bắt các thông tin, quy định mới của nước nhập khẩu; tham gia các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức và hiểu biết về yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – CSĐG – cơ sở xử lý KDTV – doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về KDTV và ATTP; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.

Toàn bộ vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số xuất khẩu phải cập nhật thông tin toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển sản phẩm trên phần mềm quản lý vùng trồng (Farmdiary) và phần mềm quản lý CSĐG.

Đảm bảo duy trì vùng trồng chính là đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp. Hãy “Giữ vàng đừng để vàng rơi”

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: