CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn gây hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 27/07/2023

Bệnh khảm lá sắn là bệnh nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

Ảnh: Bệnh phát sinh gây hại trên cây sắn tại thôn Ngòi Lèn, Khe Quýt, Thềm Bằng, Đồng Tâm, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Để phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn bảo vệ tốt cho sản xuất nông nghiệp vụ sắn năm 2023 và các năm tiếp theo cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương cùng chung tay thực hiện. Cụ thể:

Các địa phương thành lập, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các cấp để đảm bảo không lây lan bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn. Khi có trường hợp vi phạm, báo cáo ngay cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để có hình thức xử lý. Tránh tình trạng coi nhẹ, không làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong quy trình phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh để làm giống; Nghiêm cấm vận chuyển thân, lá sắn từ nơi đang có dịch ra vùng khác. Đối với các vùng đã xác định nhiễm bệnh, không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt,…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá virus và các biện pháp phòng chống cho người trồng sắn. Hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành.

Ảnh: cán bộ chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái hướng dẫn người nông dân dấu hiệu nhận biết mầm bệnh và biện pháp phòng, trừ hiệu quả

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, người dân trồng sắn tại cơ sở thực hiện phòng trừ bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh khảm lá virus hại sắn. Có thể sử dụng một số loại hoạt chất thuốc hóa học để phòng trừ như: hoạt chất Flometoquin (Mallot 50 DC..); hoạt chất Hexythiazox (Thizomite 200 EC…); hoạt chất Imidacloprid (Helmer Admida 350 SC; Imitox 700 WG; Helmer Admida 350 SC…); hoạt chất Nitenpyram (Super King 500 SL, 600 WP; TVG28 650 SP…);  hoạt chất Emamectin benzoate + Lufenuron (Lufen extra 100 EC…).

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

 


Bài viết mới nhất: