CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Phòng chống chuột gây hại trong sản xuất nông nghiệp

Ngày đăng: 05/01/2024

Chuột là đối tượng dịch hại quan trọng, phổ biến và gây hại trên tất cả các loại cây trồng. Chuột gây hại trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt hại mạnh và làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm như: trên cây lúa ở giai đoạn làm đòng – chín; ngô ở giai đoạn xoáy nõn – chín hoàn toàn; hại rau củ, quả khi chín (các tháng 2, 3, 4 trong vụ Đông xuân và tháng 8, 9, 10 trong vụ Hè thu, tháng 11, 12 trong vụ Đông). Thời kỳ khô hạn, thiếu thức ăn chuột càng phát sinh gây hại mạnh. Ngoài ra chuột còn gây hại nông sản trong kho chứa.

  1. Đặc tính sinh học

Chuột có mắt không tốt, không nhìn thấy xa, không phân biệt được màu sắc. Có khả năng cảm nhận mùi, vị thức ăn rất tốt. Chuột có trí nhớ không tốt, nhưng lại rất thính tai, do đó khi nghe tiếng động, dù rất nhỏ, chuột có phản xạ ngay lập tức. Chuột rất nhanh nhẹn, leo trèo, đào đất nhanh, bơi lội dễ dàng, chủ yếu phá hại về đêm

– Đặc trưng cơ bản của chuột là không có răng nanh, nhưng có răng cửa rất mạnh và có khuynh hướng mọc dài do đó chuột phải cắn phá liên tục để mài răng

– Chuột thường bò men theo bờ, di chuyển trên đường mòn quen thuộc. Có tính đa nghi, hay nghi ngờ chỗ lạ, thức ăn lạ. Điều quan trọng là chuột bao giờ cũng nếm thử thức ăn trước khi ăn nhiều

– Chuột thường sống trong hang, dưới đất, nhất là ở bờ ruộng lúa. Khi lúa chín, chuột rời hang, vào sống trong ruộng, nhiều khi làm tổ trên cây lúa. Vì vậy, thiệt hại thuờng ở giữa ruộng, chứ không phải gần bờ

– Chuột không thích nước, do đó, năm nào hạn nặng, năm đó chuột nhiều.

– Giống như đa số loài vật, chuột không có khả năng đi lùi, do đó, trong hang, chuột đào nhiều ngóc, ngách để di chuyển

  1. Thức ăn

 – Chuột là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là thực vật xanh, ngoài ra chuột còn ăn cả cá con, ốc sên, ốc bươu vàng, cua …

 – Nếu thiếu thức ăn xanh, tỷ lệ chuột cái đẻ sẽ giảm. Nếu thiếu chất bột, chuột cái sẽ không đẻ

  1. Sinh sản

 – Mỗi năm, một con chuột cái có thể sinh sản 4 lần trong 1 năm, mỗi lứa đẻ trung bình 6 con.

 – Chuột con mới đẻ chưa mở mắt, chưa có lông, tự tìm vú mẹ để bú, khoảng 1 –2 tuần sau sẽ mở mắt, bắt đầu tự kiếm ăn

  1. Biện pháp phòng trừ

* Biện pháp canh tác:

 – Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống,… làm mất nơi cư trú của chuột.

 – Ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang,… thường xuyên bị chuột gây hại nặng, cần tiến hành quây rào ni lon xung quanh, kết hợp đo rọ bắt chuột

* Biện pháp thủ công:

 – Đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn, soi đèn, săn đuổi, … chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, các công trình thuỷ lợi

  – Dùng các loại bẫy cặp (bẫy bán nguyệt), bẫy lồng sập, bẫy dính, sử dụng các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,… đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng

* Biện pháp sinh học:

  Sử dụng thiên địch của chuột để diệt chuột như duy trì và phát triển đàn mèo, chó; bảo vệ các loài trăn, rắn, chim cú

*Biện pháp hóa học:

   Sử dụng các loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng như: Rat-ba 20.02RB; Fadirat 0.005RB; Klerat® 0.005% wax block bait, 0.005 pellete; …Đặt mồi trộn ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng để diệt chuột. Nơi đặt bả phải cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa các bãi chăn thả gia súc, gia cầm. Đặt bả vào chiều tối và sáng sớm, hôm sau phải thu nhặt bả thừa và xác chuột chết đem chôn.

   Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật phòng chống chuột, bảo vệ mùa màng. Rất mong quý vị lưu ý thực hiện tốt, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: