CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa cuối vụ Hè thu năm 2023

Ngày đăng: 12/09/2023

Vào ngày 11/9/2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành Công văn số 184/TTBVTV-NV về việc tăng cường  công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa cuối vụ Hè thu năm 2023.

Theo báo cáo của các địa phương, qua điều tra đã phát hiện xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên cây lúa Hè thu cuối vụ. Tại huyện Mù Cang Chải bệnh gây hại tại hai xã Cao Phạ và Nậm Có, diện tích bị nhiễm bệnh  khoảng 9 ha. Trong đó: Xã Cao Phạ diện tích nhiễm 5 ha (diện tích nhiễm nặng: 1 ha, tỷ lệ 70 – 80%; diện tích nhiễm nhẹ 4 ha, tỷ lệ 10 – 20%; Xã Nậm Có nhiễm 4 ha (diện tích nhiễm nặng 1,5 ha; nhiễm nhẹ 2,5 ha). Bệnh gây hại trên diện tích canh tác giống lúa Nếp tan.  

Để phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng, thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa (đặc biệt đối với những diện tích cấy muộn, cấy giống lúa nếp, lúa thuần, giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn, những vùng ổ dịch, vùng canh tác đã bị bệnh đạo ôn lá gây hại). Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; Các cơ quan chuyên môn liên quan khẩn trương triển khai thực hiện những nội dung như sau:

  1. Chỉ đạo cán bộ chuyên môn tại cơ sở thực hiện điều tra, theo dõi tình hình bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên cây lúa. Tham mưu, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn tổ chức phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông kịp thời, hiệu quả để bệnh không lây lan trên diện rộng.
  2. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt kỹ thuật phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cây lúa. Khi điều tra, phát hiện thấy bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện gây hại cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ như sau:

– Những diện tích đã bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại (bông đã bị bạc, gẫy gập) gặt bỏ, đem tiêu huỷ để giảm triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng.

– Không bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá.

– Thực hiện phun thuốc phòng chống bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc hoá học có chứa các hoạt chất như: Isoprothiolane (Fuji-One 40 EC, 40 WP; Fu-army 30 WP, 40 EC;…), Tricyclazole (Trizole 75 WP; Bemsuper 500 SC, 750 WG, 750 WP; Bamy 75 WP…), Azoxystrobin + Difenoconazole (Ara-super 400 SC; Help 400 SC, 400 OD…), Fenoxanil (Fenoxa super 200 SC; Katana 20 SC; Redrice 200 SC; Kasoto 200 SC…)…

Đối với những ruộng chưa bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cần phải thực hiện phun phòng chống bệnh ngay, phun kép 2 lần (phun lần 2 cách lần 1 từ 5 – 7 ngày).

  1. Ngoài bệnh đạo ôn cần chú ý đến các đối tượng dịch hại khác gây hại trong vụ như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh khô vằn, chuột… theo các văn bản hướng dẫn của Chi cục đã ban hành.

* Lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Thu gom bao bì thuốc sau sử dụng để đúng nơi quy định.

Nguyễn Mạnh Tuấn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: