CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính cây rau họ hoa thập tự

Ngày đăng: 02/10/2023
  1. Sâu tơ

* Quy luật phát sinh gây hại: Sâu sống ngay trên mặt lá và ăn thịt lá để lại biểu bì tạo thành các lỗ thủng trong mờ. Ở tuổi lớn, sâu ăn toàn bộ biểu bì lá khiến lá bị thủng lỗ chỗ, khi mật độ cao toàn bộ lá bị thủng. Sâu phát sinh mạnh, tốc độ gây hại nhanh chỉ sau 2-3 ngày ruộng rau đã xơ xác còn trơ lại gân lá.

Triệu chứng gây hại của sâu non và nhộng sâu tơ. Ảnh: CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Sau khi thu hoạch phải dọn sạch tàn dư của cây, đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt trứng, sâu non…

– Khi sử dụng thuốc hóa học phải dùng luân phiên nhiều loại thuốc để tránh kháng thuốc. Một số loại thuốc thường được dùng để phòng trị như: Aremec 45EC; Catex 3.6EC; Ramec 18EC; ProclaimÒ 1.9EC, …

  1. Sâu xanh bướm trắng

* Quy luật phát sinh gây hại: Sâu non mới nở đục lỗ ăn biểu bì dưới và thịt lá, chừa lại biểu bì trên tạo thành 2 đốm trong mờ, gặm thủng lá thành nhiều lỗ thủng lỗ chỗ. Sâu non hại mạnh chúng ăn khuyết lá chỉ chừa lại gân. Thời gian phát sinh gây hại quanh năm nhưng hại nặng từ tháng 1 đến cuối tháng 4-5 và hại nặng nhất từ tháng 1- 3.

Sâu xanh bướm trắng gây hại. Ảnh: CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Bón phân đầy đủ và cân đối. Dùng vợt bắt bướm và ngắt nhộng, trứng trên lá.

– Thường xuyên luân canh cới cây khác họ, gieo trồng tập trung đúng vụ.

– Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 có thể sử dụng một số thuốc sau để phun trừ: Aremec 45EC; Catex 3.6EC, Dylan 2EC; ProclaimÒ 5WG; Tungmectin 5EC,…

  1. Bọ nhảy

* Quy luật phát sinh gây hại: Bọ nhảy gây hại rất nặng trên rau cải xanh, cải củ. Trưởng thành thường ẩn vào nơi ẩm mát, thường bò lên mặt lá ăn phá vào lúc sáng sớm và chiều tối, cắn thủng lá thành những lỗ nhỏ đều đặn trên khắp mặt lá rất dễ nhận diện, làm lá có thể bị vàng và rụng. Sâu non sống dưới đất, ăn rễ cây làm cây bị còi cọc, đôi khi héo hoặc thối. Củ cải bị sâu non gặm vỏ tạo thành các vết gặm ngoằn nghèo hay tạo thành các lỗ đốm đen nhỏ hoặc đục vào trong thịt củ.

Triệu chứng bọ nhảy gây hại. Ảnh CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Đất trồng cần được chuẩn bị kỹ, dọn sạch tàn dư vụ trước; phơi thật khô đất tối thiểu từ 10-15 ngày để diệt sâu non và nhộng còn trong đất. Bón vôi để tạo môi trường bất lợi cho bọ nhảy.

– Khi mật độ bọ nhảy trên 20 con/m2 có thể sử dụng một số thuốc sau để phun trừ: Aremec 45EC; Reasgant 3.6EC, 5WG; Vineem 1500EC; Pesieu 500SC;…

  1. Sâu khoang

* Quy luật phát sinh gây hại: Trứng sâu khoang thường đẻ trứng thành ổ trên lá, có lớp lông màu vàng rơm phủ bên ngoài. Sâu tuổi nhỏ sống tập trung ăn hết thịt lá, chừa lại biểu bì và gân lá. Ở tuổi 3-4, sâu phân tán và ăn khuyết lá hoặc ăn có khi ăn trụi lá. Khi mật độ sâu cao, sâu khoang có thể làm ăn trụi cả thân cây. Sâu khoang phá hoại mạnh nhất vào khoảng tháng 5-6 hằng năm.

Ổ trứng sâu khoang và sâu non gây hại trên bắp cải. Ảnh: CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng. Ngắt bỏ trứng, ngắt các lá già có sâu non sống tập trung ở đó để giảm số lần phun thuốc.

– Dùng chế phẩm nấm Beauveria, virus NPV để diệt sâu non, sử dụng bẫy Pheromon giới…

– Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 có thể sử dụng một số thuốc sau để phun trừ: Tasieu 1.9EC, 5WG; Aremec 45EC; Saikumi 39.35SC; Reasgant 3.6EC, 5WG;…

  1. Bệnh thối nhũm vi khuẩn

* Nguyên nhân, triệu chứng và quy luật phát sinh gây hại:

– Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn gây ra.

– Triệu chứng: Bệnh có thể hại từ trên xuống hay từ gốc phát triển lên, lúc đầu là dạng giọt dầu sau thành nâu nhạt lan rộng và phần mô bệnh có mùi hôi khó chịu, phần lá ngoài của cây bị héo rũ, cụp xuống để lộ rõ bắp ra và dễ dàng bị gẫy và thối nhanh chóng.

– Bệnh phát sinh nhiều trong điều kiện mưa nhiều độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối cao: nhiệt độ thích hợp từ 25-30oC, bệnh thường phát sinh và lây lan mạnh vào tháng 2, tháng 3 trên bắp cải trồng muộn. Những ruộng thường xuyên ẩm ướt, bón nhiều đạm, thiếu kali hay bị bệnh nặng. Cây bị sâu hại cũng tạo điều kiện cho bệnh phát triển nhiều hơn.

Triệu chứng bệnh thối nhũn trên bắp cải. Ảnh: CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Làm đất kỹ, lên luống cao dễ thoát nước; Luân canh cây trồng khác họ; Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón Kali; Sử dụng phân chuồng hoai mục, không nên vun xới quá sâu, tránh làm tổn thương vùng rễ, vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.

– Có thể sử dụng một trong các thuốc: Kamsu 2SL, 8WP; Kata 2SL; Saipan 2SL;…

  1. Bệnh Sương mai

* Nguyên nhân, triệu chứng và quy luật phát sinh gây hại:

– Tác nhân gây bệnh:  Do nấm gây ra.

– Triệu chứng: Trên lá mầm và các lá thật của cây xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc hình dạng bất định màu vàng nâu, trên đó có lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Vết bệnh ở dưới mặt lá được bao phủ một lớp trắng như sương.

– Nhiệt độ thấp (20-220C) kết hợp với thời tiết mưa phùn hoặc sương muối, trời âm u, bệnh sẽ bùng phát và lây lan mạnh, đặc biệt là trên những diện tích cây trồng bón thừa đạm.

Triệu chứng bệnh sương mai mặt dưới lá bắp cải (trái) và mặt trên lá su hào (phải) Ảnh: CCTTBVTV.

* Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng giống kháng bệnh, trồng cây với mật độ hợp lý, bón phân cân đối; ngừng bón đạm khi cây đang bị bệnh.

– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Daconil 75WP, 500SC; Stifano 5.5SL; Profiler 711.1WG; Sosim 300SC;…

* Lưu ý: Trước khi sử dụng thuốc hoá học cần tuân thủ đúng hướng dẫn đã ghi trên bao bì; Dùng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách.

ThS.Dương Anh Tuấn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: