CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ SÂU KEO MÙA THU GÂY HẠI TRÊN CÂY NGÔ VỤ ĐÔNG NĂM 2024

Ngày đăng: 16/10/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái cây ngô vụ Đông đang ở giai đoạn cây con. Qua kiểm tra thực tế cho thấy trên cây ngô xuất hiện một số đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là sâu keo mùa thu ở mật độ khá cao ở một số địa phương. Để thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại cũng như để đảm bảo năng xuất sản lượng cây trồng vụ Đông năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đưa ra một số hướng dẫn phòng trừ như sau:

      1. Đặc điểm gây hại:  

Sâu non tuổi 1-2 sẽ ăn phần biểu bì của mặt dưới lá non và tạo ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn sẽ ăn lá và tạo ra các lỗ to như “cửa sổ”. Về cây ký chủ, sâu keo mùa thu ăn được hơn 300 loài thực vật, bao gồm ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà,… Tuy nhiên, sâu keo mùa thu thường gây hại mạnh trên cây ngô.

                                 Sâu keo mùa thu hại ngô
  1. Biện pháp phòng trừ:

(1) Biện pháp sinh học:

Ưu tiên nhân nuôi các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm, … ra đồng ruộng để kiểm phòng, chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác.

– Sử dụng chế phẩm sinh học chứa thành phần nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Phun chế phẩm khi thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực phòng trừ của chế phẩm.

(2) Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính (pheromone):

– Đặt bẫy bả chua ngọt trên ruộng để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô.

– Thời điểm đặt bẫy: Nên đặt bẫy suốt vụ ngô nhưng quan trọng nhất là khi ngô vừa mới gieo đến khi trỗ cờ, phun râu.

(3) Biện pháp hóa học:

Khi điều tra đồng ruộng phát hiện sâu keo mùa thu gây hại với mật độ cao (trên 4 con/m2) cần sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất như: Emamectin benzoate+ Indoxacarb; Emamectin benzoate + Lufenuron; Abamectin + Methoxyfenozide: Diafenthiuron + Emamectin benzoate…

Chú ý: Khi phun thuốc, cần phun kỹ trên ngọn cây ngô, phun trực tiếp vào nõn ngô; Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng hiệu quả phòng trừ. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, sư dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Trên đây là một số biện pháp hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu hại cây ngô vụ Đông năm 2024. Đề nghị nhân dân sản xuất trồng trọt quan tâm thực hiện để vụ sản xuất vụ Đông đạt năng xuất, chất lượng cao./.

Người viết tin bài: Chuyên viên Cao Thị Nga

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái


Bài viết mới nhất: