CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn quả có múi sau thu hoạch

Ngày đăng: 20/02/2024

Cây ăn quả có múi là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sau một chu kỳ cho thu hoạch sản phẩm đất trồng mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng, cây bị già hoá, sức đề kháng của cây bị ảnh hưởng dễ bị các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Vì vậy, cần tăng cường công tác chăm sóc giúp cây phục hồi, sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề cho cây bước sang niên vụ sản xuất tiếp theo.

1. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc

a) Đối với diện tích cây giai đoạn kiến thiết cơ bản

 Tiến hành chăm sóc, bón lót sớm; bón cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt (tăng cường bón phân hữu cơ ngâm ủ hoai mục, phân lân để góp phần cải tạo đất, phục hồi bộ rễ của cây). Cắt bỏ cành mọc từ gốc ghép. Cắt, tỉa cành định hình bộ khung tán cây.

b) Đối với diện tích cây giai đoạn kinh doanh cho sản phẩm

– Khi thu hoạch xong khẩn trương vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành vượt đem tiêu huỷ để tiêu diệt nguồn dịch hại. Đối với những vườn đã khép tán, vườn trồng mật độ dày cần chủ động cắt tỉa, hạ tán giúp thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp, hạn chế dịch hại.

– Áp dụng giải pháp quét vôi vào gốc và các vết cắt để hạn chế sự xâm nhiễm của nấm, vi khuẩn gây bệnh, hạn chế nơi cư trú của sâu hại. Đối với những vườn đã tích lũy nhiều nguồn vi sinh vật gây bệnh (bệnh loét, sẹo, chảy gôm, thối quả, …) cần tiến hành phun vệ sinh vườn bằng các loại thuốc trừ bệnh có phổ rộng, có thể kết hợp các loại phân bón qua lá để bổ sung chất dinh dưỡng giúp cây nhanh phục hồi, cân bằng dinh dưỡng giảm áp lực cho bộ rễ.

– Bón lót phục hồi sớm bằng các loại phân hữu cơ truyền thống hoặc phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh đã qua chế biến cùng phân lân nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây, cải tạo độ phì của đất, giúp cây sớm phục hồi, tạo tiền đề giúp tăng năng suất vụ tiếp theo.

– Duy trì độ ẩm cho vườn cây (50 – 60%) sau khi bón lót, tuy nhiên thời điểm này không nên tưới nước đẫm ngay khi mới bón phân, có thể gây thừa nước, làm phân tan nhanh gây thối rễ, ảnh hưởng sinh trưởng, phát triển và sự phân hóa mầm hoa.

– Bón đủ lượng vôi bột (400 – 500 kg/ha) hay sử dụng phân bón có chức năng điều hòa pH đất.

– Chủ động phun bổ sung phân bón qua lá có chứa thành phần dinh dưỡng là các nguyên tố trung, vi lượng, các chất điều hòa sinh trưởng khi cây bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa (trước khi cây ra hoa khoảng 1 tháng), ra hoa và đậu quả non.

– Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất cây ăn quả có múi, đặc biệt là nguồn nước ngầm; đồng thời đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho cây khi cây ra hoa, lộc non và đậu quả.

2. Quản lý dịch hại

Cần chủ động công tác điều tra phát hiện dịch hại, hướng dẫn nông dân thực hiện phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như sau:

– Rệp sáp: Khi bị hại nặng lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, quả cũng có thể biến màu, phát triển kém và bị rụng. Khi mật độ cao có thể phòng trừ bằng một trong các hoạt chất như: Abamectin (Queson 5.0 EC; Shertin 5.0 EC; …); Buprofezin (Applaud 25 SC; Hello 700 WG; …); …

– Nhện đỏ, nhện rám vàng, nhện trắng: Nhện phát sinh gây hại quanh năm, hại trên cả lá và quả, khi hại nặng có thể làm lá bị khô và rụng, quả bị hại thường có vỏ dày, bị nám và kích thước nhỏ hoặc có thể rụng sớm. Khi mật độ cao có thể phòng trừ bằng một trong các hoạt chất như: Abamectin (Catex 3.6 EC; Aremec 45 EC; …); Azadirachtin (Altivi 0.3 EC; Minup 0.3 EC; …); …

– Bệnh chảy gôm: Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ để làm giàu hệ thống vi sinh vật trong đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng. Khi bệnh hại nặng có thể phòng trừ bằng một trong các hoạt chất như: Cucuminoid + Gingerol (Stifano 5.5 SL; …); Dimethomorph + Mancozeb (Acrobat MZ 90/600 WP; …); Fosetyl-aluminium (Sakin-zai 800 WG; Vialphos 80 SP; …);… Cây bệnh nặng có thể cạo sạch phần chảy gôm, quét trực tiếp vào vùng nhiễm bệnh. Có thể sử dụng các thuốc trừ bệnh chứa gốc đồng để quét lên thân, cành để phòng bệnh cho cây.

– Bệnh vàng lá thối rễ: Thu gom tàn dư cây bị bệnh để tiêu hủy; Khi bệnh bắt đầu xuất hiện, phải ngừng ngay việc sử dụng phân bón, chất kích thích sinh trưởng. Khi bệnh hại nặng có thể phòng trừ bằng một trong các hoạt chất như: TRICO-ĐHCT 108 bào tử/g; Bacillus subtilis (Biobac WP; Rebaci 100 WP; …); … Trước khi tưới thuốc cần xới nhẹ xung quanh gốc của cây bị bệnh, để loại bỏ những rễ thối ra khỏi bộ rễ, dùng lớp đất sạch lấp lại và tưới đều xung quanh gốc, sau 5 – 7 ngày tưới lại lần 2.

Ngoài ra cần chú ý các đối tượng dịch hại khác như: Sâu non bướm phượng, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, bệnh Greening, bệnh loét…

Lưu ý: 

– Cần đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây.

– Sử dụng giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu bệnh làm gốc ghép. Trồng đúng mật độ khuyến cáo, không nên tủ cỏ sát gốc cây vào mùa mưa để tránh hiện tượng úng nước.

– Thường xuyên tỉa cành, tạo tán giúp cây trồng được thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế sự phát triển của dịch hại.

– Khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly, khi sử dụng xong phải thu gom bao bì để đúng nơi quy định.

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: