CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây ngô

Ngày đăng: 27/09/2023

Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2023 tại tỉnh Yên Bái ước đạt 71.555 ha, trong đó diện tích gieo trồng ngô ước đạt 28.959 ha. Để đảm bảo sản lượng ngô đạt năng suất, chất lượng tốt cần có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ngô hiệu quả và kịp thời, Chi cục đưa ra một số nội dung hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chính trên ngô như sau:

1. Sâu xám

* Đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh gây hại: Trưởng thành dài 16 -23 mm, có màu nâu. Sâu non có 6 tuổi, màu xám, sâu tuổi nhỏ gặm lá non, từ tuổi 4 trở lên cắn đứt thân cây. Sâu xám thường phá hại thời kỳ cây còn non. Sâu thường gây hại vào ban đêm, sâu tuổi 1- 3 ăn lá ngô non hoặc gặm xung quanh thân ngô. Ruộng ngô bị sâu xám gây hại trông mất khoảng lỗ chỗ, mật độ cây giảm, thiệt hại về năng suất.

Sâu xám hại cây con ngô. Ảnh: internet

* Biện pháp phòng trừ:

– Làm đất kỹ; vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại; Bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối; Luân canh với cây lúa nước hoặc những loại rau ưa nước khác; Dùng bả chua ngọt để bẫy trưởng thành. Phun vào thời kỳ sâu tuổi nhỏ.

– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Map-Jono 700WP; Dibamec 3.6EC, 5WG; Shertin 5.0EC; Cruiser® 350FS; Cruiser® Plus 312.5FS;…

2. Sâu cắn lá ngô

* Đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh gây hại: Trưởng thành màu nâu nhạt. Sâu non có 5 vạch: 1 vạch ở lưng và 2 bên thân có 2 sọc nâu đỏ. Sâu non tuổi nhỏ ăn nõn lá, hoa đực. Sâu tuổi lớn gặm khuyết phiến lá, ăn trụi phần thân non tới đỉnh sinh trưởng. Sâu có thể ăn hết phần thân ngô non trên mặt đất. Khi ngô trỗ cờ, sâu phá hại lá, chui vào bắp ăn hạt non, râu ngô làm tỷ lệ kết hạt ở bắp giảm đi. Sâu non hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong nõn ngô, bẹ lá hoặc chui xuống đất ở gần gốc.

Sâu cắn lá hại ngô. Ảnh: CCTTBVTV

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng; Bẫy trưởng thành bằng bả chua ngọt; Bắt sâu bằng tay khi mật độ thấp

– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Voliam Targo 063SC; Igro 240SC; Angun 5WG; Match 050 EC;…

3. Sâu đục thân, đục cờ, đục bắp

* Đặc điểm hình thái quy luật phát sinh gây hại: Trưởng thành dài 13-15 mm, có màu vàng tươi đến vàng nhạt. Sâu non có 5 tuổi, màu vàng nhạt. sâu non nở ra ăn thủng lá nõn, hay ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo, không tung phấn được. Sâu từ tuổi 3 trở lên đục phá vào thân làm cây chậm phát triển, thậm chí ngừng phát triển. Khi cây lớn, sâu đục trong thân để lại phân ở đường đục. Thân ngô bị đục ít khi chết. Nếu gặp gió to có thể bị gẫy ngang. Bắp bị sâu đục lúc còn nhỏ bị gẫy non, không lớn lên  được. Bắp ngô non có thể bị đục từ cuống bắp vào thân bắp.

Sâu đục thân, bắp ngô. Ảnh: internet

* Biện pháp phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Vote 34.2SC; Afudan 3GR; Vifu-super 5GR; Supertar 950SP; Wofadan 95SP; Virtako 40WG; Decis 2.5EC; …

4. Bệnh khô vằn

* Nguyên nhân, triệu chứng, tác hại: Bệnh do nấm gây ra.

*Triệu chứng bệnh: Bệnh hại trên lá, bẹ lá, thân và bắp ngô tạo ra các vết bệnh lớn màu xám tro, loang lổ, đốm vằn da hổ, hình dạng bất định như dạng đám mây. Vết bệnh lan từ các bộ phận phía gốc cây lên tới áo bắp và bắp ngô, bông cờ làm cây úa vàng tàn lụi, khô chết, bắp thối khô. Bệnh làm giảm năng suất.

Bệnh khô vằn hại ngô. Ảnh: internet

* Biện pháp phòng trừ:

– Không chọn những bắp bị bệnh để làm giống; Lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng; Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh; Cày ải hoặc ngâm dầm để diệt hạch nấm.

– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Amistar Top 325SC; Tilt Super 300EC; Opus 75EC; Anvil 5SC; …

5. Bệnh đốm lá lớn

* Nguyên nhân, triệu chứng, tác hại: Bệnh do nấm gây ra.

*Triệu chứng bệnh: Bệnh thường xuất hiện trên lá già sát gốc trước, sau đó lan dần lên những lá trên. Ban đầu vết bệnh là vệt nhỏ, dạng ngậm nước, sau lớn dần có hình thoi, trung tâm vết bệnh có màu nâu sáng, xung quanh màu nâu tối. Vết bệnh phát triển rất nhanh tạo thành những đám lớn. Lá ngô bị bệnh nặng, làm giảm quang hợp của cây ảnh hưởng tới năng suất.

Bệnh đốm lá lớn hại ngô. Ảnh: CCTTBVTV

* Biện pháp phòng trừ:

 – Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh; Dùng hạt giống sạch bệnh;  Luân canh; Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh; Vệ sinh đồng ruộng; Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô.

– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Tungmanzeb 800WP; Ridomil Gold 68WG; Antracol 70WP; … 

* Lưu ý: Trước khi sử dụng thuốc hoá học cần tuân thủ đúng hướng dẫn đã ghi trên bao bì; Dùng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách./.

ThS. Dương Anh Tuấn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: