1. SÂU ĐỤC THÂN BƯỚM 2 CHẤM
* Đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh gây hại:
Bướm màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cánh trước mỗi bên có một chấm đen rất rõ, phía cuối bụng có chùm lông màu vàng. Khi đậu có hình khum như mái nhà. Trưởng thành dài 10 -13 mm.
Bướm thích ánh sáng đèn, thường đẻ trứng ở những ruộng lúa xanh non, rập rạp. Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ từ 1 – 5 ổ trứng .
Trứng được đẻ trên mặt lá lúa hoặc mạ. Sâu non có 5 tuổi, sâu đục vào thân gây nõn héo hoặc bông bạc. Hóa nhộng ở gốc rạ.
Sâu đục thân gây dảnh héo Sâu đục thân gây bạc bông
* Biện pháp phòng trừ:
– Cày lật gốc rạ, ngâm dầm vệ sinh đồng ruộng.
– Bón phân cân đối, hợp lý
– Gieo cấy tập trung tránh cao điểm hại, giữ mực nước ruộng 3-5cm.
– Dùng bẫy đèn bắt bướm khi bướm rộ, ngắt ổ trứng, loại bỏ dảnh héo.
– Bảo vệ thiên địch nhất là các loài ong kí sinh trứng.
– Chỉ phun thuốc khi đến quá ngưỡng phòng trừ: giai đoạn đẻ nhánh: 0,5 ổ trứng/m2; đòng già – bắt đầu trỗ: 0,3 – 0,6 ổ trứng/m2.
Sử dụng 1 trong các loại thuốc hoá học sau: Rholam 20EC; Luckyler 25EC, Reasgant 3.6EC…
2. RẦY NÂU, RẦY LƯNG TRẮNG
* Đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh gây hại:
Rầy nâu cơ thể dài từ 2- 5 mm, màu nâu. Rầy lưng trắng có một vệt màu trắng và dọc 2 cánh ngoài có 2 sọc trắng. Rầy chích hút nhựa bẹ, thân, lá lúa làm cho thân bẹ lá lúa bị khô héo, khi mật độ rầy cao gây hại nặng làm cho thân, bẹ, lá khô héo (hiện tượng cháy rầy). Rầy nâu, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh virus hại lúa.
Ruộng lúa bị rầy gây hại (cháy rầy)
* Biện pháp phòng trừ:
– Sử dụng giống lúa kháng rầy hoặc ít nhiếm rầy
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ, lúa chét.
– Cấy với mật độ hợp lý, bón phân cân đối NPK
– Không nên dùng thuốc BVTV có phổ tác động rộng để bảo vệ tập đoàn thiên địch như: Nhện, bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang…
– Bố trí thời vụ để tránh cao điểm gây hại, gieo cấy tập trung.
– Kết hợp nuôi cá, thả vịt trong ruộng lúa.
– Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện sớm và phun thuốc trừ rầy tuổi nhỏ kịp thời bằng các chế phẩm sinh học như: nấm xanh Metarhizium
– Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi đến ngưỡng phòng trừ ( từ 1.500 con/m2 trở lên).
Sử dụng 1 trong các loại thuốc hoá học sau: Actara 25WG; Vithoxam 350SC; Bassa 50EC….
3. SÂU CUỐN LÁ NHỎ
* Đặc điểm hình thái quy luật phát sinh gây hại:
Trưởng thành dài khoảng 8 – 10 mm, màu vàng nâu
Tuổi nhỏ thường tạo bao lá ở đầu ngọn hay chui vào các tổ cũ hoặc xếp 2 – 5 lá ép vào nhau làm tổ. Mỗi sâu non có thể phá 5 – 9 lá. Khi đẫy sức sâu cắn đứt 2 mép lá, nhả tơ làm thành bao kín và hóa nhộng trong đó.
Sâu cuốn lá nhỏ
* Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.
– Điều chỉnh mật độ cấy phù hợp.
– Bón phân cân đối, đặc biệt bón phân đạm vừa phải.
– Thu lượm bao lá có sâu bên trong đem đốt.
– Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu non đến ngưỡng phòng trừ (từ 50 con/m2 trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh, từ 20 con/m2 trở lên đối với giai đoạn làm đòng).
Sử dụng 1 trong các loại thuốc sau: Catex 3.6EC; Vibamec 5.55EC, Cleve 150SC…
4. BỆNH ĐẠO ÔN
* Triệu chứng:
Trên lá: Đầu tiên là những vết dầu nhỏ màu xanh, dần dần bệnh phát triển thành hình thoi, rìa nâu đỏ, giữa bạc trắng. Khi bị nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng lớn hình thù không rõ rệt.
Trên cổ bông, gié: Đầu tiên trên đoạn cổ bông giáp lá hoặc sát hạt thóc có những điểm màu nâu xám. Sau đó vết bệnh to dần bao quanh cổ bông làm cổ bông bị héo, bông lúa bạc trắng hoặc lép lửng.
– Trên hạt: Xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu, khi nặng vết bệnh lớn dần có màu xám hoặc nâu đen, hạt lép lửng.
Triệu chứng bệnh đạo ôn
* Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư rơm rạ, cỏ bờ; phơi ải hoặc làm dầm, bón vôi hàng năm.
– Dùng giống kháng bệnh, bón cân đối NPK, không bón đạm quá muộn, khi đã bị nhiễm bệnh tuyệt đối không bón thêm phân và phun thuốc kích thích sinh trưởng, giữ ruộng đủ nước.
– Xử lí hạt giống bằng nước nóng 540C trong 3-5 phút và nước vôi 2-3% từ 10-12 giờ.
– Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời khi bệnh còn nhẹ.
– Vơ bỏ lá bệnh đem đốt.
* Lưu ý: Những diện tích bị bệnh đạo ôn lá nặng hay nhẹ nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông triệt để trước trỗ 1 – 2 lần và sau trỗ 5 – 7 ngày 1 lần bằng thuốc đặc hiệu Fujione 40EC; Katana 20SC…
5. BỆNH KHÔ VẰN
* Triệu chứng :
Trên bẹ lá xuất hiện các vết to, bầu dục, lúc đầu màu xanh xám sau bạc nâu có viền màu xanh tím. Vết bệnh lớn dần hoà lẫn vào nhau vằn vèo như hình da báo trên bẹ lá. Đầu tiên là những bẹ lá ở ngoài bị bệnh về sau lan ra cả những bẹ phía trong.
Triệu chứng bệnh khô vằn
* Biện pháp phòng trừ:
– Lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng; Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh; Cày ải hoặc ngâm dầm để diệt hạch nấm.
– Cấy với mật độ hợp lí, không cấy dầy; bón phân cân đối
– Xử lí hạt giống bằng nước nóng 540C trong 3-5 phút và nước vôi 2-3% từ 10-12 giờ.
– Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi đến ngưỡng phòng trừ ( trên 20% số cây trên ruộng bị bệnh).Sử dụng các loại thuốc sau: Valivithaco 3SC, Validacin 5SL, Anvil 5SC…
ThS. Dương Anh Tuấn
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái