CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI)

Ngày đăng: 25/07/2023

I. KỸ THUẬT LÀM MẠ, TUỔI MẠ KHI CẤY

Để cấy cho 1 ha lúa, cần chuẩn bị 100 – 150 m2 đất, gieo 10 – 15 kg hạt giống (0,1 kg hạt giống gieo trên 1 m2 đất); hoặc để cấy cho 1 sào lúa (360 m2) cần chuẩn bị 5 m2 và gieo 0,5 kg hạt giống.

Đất gieo mạ vụ mùa nên chọn chân đất cao, dễ tiêu thoát nước, tránh úng ngập khi mưa lớn. Vụ Xuân chọn chân đất vàn, vàn trũng, dễ tưới nước để ruộng mạ luôn đủ ẩm và tránh rét cho mạ. Làm đất phải đảm bảo nhuyễn bùn, sạch cỏ. Luống rộng từ 1-1,2m, rãnh rộng 20-30cm, sâu 10-25cm, mặt luống phẳng, không đọng nước. Dùng bùn trộn đều với 7-10kg phân chuồng hoai mục, san đều trên mặt đất tạo thành luống với độ dày 2-3cm.

Ngâm hạt giống sạch vào nước trong thời gian 24-30 giờ và tiếp tục ủ trong 24 giờ, gieo hạt giống đã nảy mầm thật đều trên mặt luống. Sau khi gieo 24 giờ dùng nước bùn pha loãng tưới đều lên mặt luống. Vụ đông xuân dùng nilon che phủ luống để chống rét cho mạ. Luôn giữ cho mặt luống đủ ẩm, không giữ nước trên mặt luống.

Sau 8 ngày (vụ Mùa) và khoảng 14 ngày (vụ Xuân) cây mạ được 2-2,5 lá, dùng xẻng xúc nhẹ (hoặc cắt luống mạ thành từng miếng) đem đi cấy ngay trong ngày.

II. LÀM ĐẤT RUỘNG CẤY

Cầy bừa kỹ, nhuyễn bùn, sạch cỏ, bằng phẳng. Ruộng để lắng bùn 1-2 ngày, làm luống rộng 2 m, rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 15 – 20 cm, rãnh chung sát mép và xung quanh ruộng (có thể làm rãnh bằng cách sử dụng vật nặng như: túi đất, túi cát… kéo mạnh, bùn sẽ gạt sang 2 bên luống tạo thành rãnh luống).

Làm rãnh điều tiết nước

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

III. CÁC NGUYÊN TẮC SRI

1.Nguyên tắc 1: Cấy mạ non 2-2,5 lá đối với đất thường, 4-5 lá đối với đất phèn, mặn.

Cây mạ 2-2,5 lá

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

2. Nguyên tắc 2: Cấy thưa, cấy 1 dảnh, vuông mắt sàng

Mật độ cấy thay đổi theo tuổi mạ, chất đất, khả năng rút nước khi cấy. Cấy 1-2 dảnh/khóm, cấy nông và cấy nhẹ tay, tránh làm tổn thương bộ rễ. Mạ phải được cấy ngay để rễ nhanh bám đất và mạ non nhanh chóng hồi phục.

Ruộng SRI cấy thưa

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

3. Nguyên tắc 3: Quản lý nước

– Giữ nước:

+ Lần 1: Từ khi cấy đến sau khi bón phân thúc đẻ nhánh 4 – 5 ngày, kết hợp làm cỏ, trừ cỏ. Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 2cm.

Giữ nước trên mặt ruộng

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

+ Lần 2: Từ khi lúa phân hoá đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh). Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 3 cm.

Rút nước:

 + Lần 1: Sau khi bón phân thúc đẻ nhánh và làm cỏ được 5 – 6 ngày thì thực hiện rút nước cho đến khi lúa phân hoá đòng (đứng cái). Rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ chân chim (đi vào ruộng chỉ hơi lún đất, không bị lấm chân). Nếu ruộng khô thì tưới ẩm vào các rãnh, không giữ nước trên ruộng.

+ Lần 2: Từ khi lúa chín sáp (chắc xanh) đến khi thu hoạch, rút kiệt nước triệt để.

Những nơi chủ động nước tưới nên giữ cho ruộng đủ ẩm, không cần giữ nước trên mặt ruộng.

Ruộng rút nước, đất mặt ruộng nẻ chân chim

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

 4. Nguyên tắc 4: Quản lý cỏ và sâu bệnh

– Làm cỏ:  Kết hợp làm cỏ, sục bùn, phá váng mặt ruộng tạo độ thông thoáng khí cho đất. Ít nhất 2 lần vào 7-10 ngày sau cấy và 21-25 ngày sau cấy.

Làm cỏ, kết hợp sục bùn, phá váng

Ảnh:  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái

– Phòng trừ sâu bệnh:

Chỉ phun thuốc trừ sâu khi mật độ sâu cao đến mức có khả năng gây tổn hại đến năng suất lúa: Sâu cuốn lá nhỏ giai đoạn đẻ nhánh > 50con/m2 (Giai đoạn đồng – trỗ > 20 con/m2); Sâu đục thân >0,3 ổ trứng/m2; Rầy nâu, rầy lưng trắng >3000 con/ m2.

Đối với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn cần phòng bệnh là chính. Khi điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát triển nhất thiết phải sử dụng các loại thuốc có hiệu lực cao để phòng trừ khi lúa chớm bị bệnh.

5. Nguyên tắc 5: Sử dụng phân hữu cơ

Phân chuồng hoai mục: 300-350 kg/sào, bón 100% trước khi bừa lần cuối. Bón cân đối đạm, lân và  kali. Bón đúng cách và đúng thời điểm cây lúa cần.

ThS. Dương Anh Tuấn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

 


Bài viết mới nhất: