CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Hội nghị đầu bờ mô hình “Sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính” tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên

Ngày đăng: 20/09/2023

 Ngày 14/9/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình “Sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính” tại Thôn Làng Lớn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đồng thời trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện từ tháng 6/2023 đến hết tháng 9/2023.

Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết mô hình. Ảnh: CCTTBVTV

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Huy Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái; đồng chí Đặng Thành Trung Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái; các đồng chí lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng kinh tế Thành phố; các đồng chí lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thành phố; lãnh đạo xã An Thịnh, huyện Văn Yên; đại diện Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam.

Học viên tham gia hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình. Ảnh: CCTTBVTV

Thời gian vừa qua, việc xây dựng mô hình áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí đã tận dụng đ­­­­ược nguồn phân hữu cơ, giảm chi phí đầu t­­­­­ư: giống, phân đạm hoá học, n­­­­­ước tưới, thuốc bảo vệ thực vật. Đem lại hiệu quả cao về kỹ thuật, kinh tế – xã hội và thân thiện môi trường, từng bư­­­­ớc giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Dương Anh Tuấn – Phó Trưởng  phòng Nghiệp vụ báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Ảnh: CCTTBVTV

Mô hình được thực hiện trên diện tích 2 ha với 30 học viên nông dân tham gia, sử dụng giống lúa lai Thuỵ Hương 308. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia thực hiện mô hình. Các giảng viên của Chi cục trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về Kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh và làm đệm lót sinh học; Kiến thức về hệ sinh thái đồng ruộng; Quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); Sinh lý cây lúa qua các giai đoạn phát triển và biện pháp quản lý; Kỹ thuật chăm sóc, bón phân, làm cỏ, tưới nước; Phương pháp điều tra, nhận biết thiên địch trên đồng ruộng, quản lý sâu bệnh hại;  Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM); Kỹ thuật sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quản lý dịch hại nhằm giảm thiểu nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn sản phẩm (các biện pháp thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học); Kiến thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nông thôn.

Ruộng lúa thực hiện theo mô hình “sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính”. Ảnh: CCTTBVTV

Kết quả thực hiện trên ruộng mô hình và ruộng thực hiện theo phương pháp canh tác truyền thống thông qua các tiêu chí đánh giá cho thấy: việc chăm sóc, bón phân và tỉa dặm được thực hiện dễ dàng hơn; các ruộng trong mô hình giảm được 03 lần phun thuốc BVTV; sử dụng phân ủ vi sinh giảm thiểu việc lạm dụng phân hoá học; tưới nước theo phương pháp khô ướt xen kẽ giúp cây lúa cứng cáp, khả năng chống đổ tốt hơn; cấy thưa nên lượng giống sử dụng trong ruộng mô hình ít hơn, số khóm/m­­­­2 ít hơn nhưng số rảnh/khóm, số lượng bông/khóm, số lượng hạt/bông nhiều hơn, tỷ lệ hạt chắc mẩy cao hơn; năng suất đạt 7 tấn/ha cao gấp 1,5-2 lần so với ruộng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Xuân Huy – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV phát biểu ý kiến giải đáp, làm rõ một số vấn đề được nêu tại tham luận của các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: CCTTBVTV

Kết thúc Hội nghị các đại biểu tham dự đều được thấy tận mắt về hiệu quả và những lợi ích thiết thực của của mô hình đem lại; trong vụ tới các học viên nông dân đã tham gia mô hình sẽ hưởng ứng tham gia áp dụng và tích cực tuyên truyền, vận động áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn tới người dân xung quanh hướng tới nền sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. 

ThS. Dương Anh Tuấn 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

 


Bài viết mới nhất: