CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

GIẢI PHÁP PHỤC HỒI CÂY DÂU TẰM SAU CƠN BÃO SỐ 3

Ngày đăng: 17/09/2024

 

Tỉnh Yên Bái hiện có 1.267 ha cây dâu tằm đang giai đoạn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Trấn Yên, Văn Yên và Văn Chấn. Cơn bão số 3 Yagi đã làm ảnh hưởng đến 792,6 ha cây dâu tằm (Trấn Yên 732,6 ha; Văn Yên 60 ha). Để nắm tình hình và hỗ trợ công tác khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử cơ quan chuyên môn trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy lợi) phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên kiểm tra đánh giá thực tế thiệt hại vùng trồng dâu tằm bị thiệt hại do ngập lụt tại xã Báo Đáp, Việt Thành, Quy Mông, Minh Quân, Tân Đồng-huyện Trấn Yên và đưa ra giải pháp khôi phục sản xuất đối với cây dâu.

Ngày 13/9/2024, tại xã Việt Thành huyện Trấn Yên. Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Đức Điển – Phó giám đốc – Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Về phía huyện Trấn Yên có đồng chí Trần Anh Tuấn – Bí thư huyện ủy cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bà Nguyễn Thị Min – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và các cán bộ chuyên môn liên quan thực hiện kiểm tra tình hình thiệt hại của cây dâu tằm sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi

Qua kiểm tra đánh giá cây dâu có 3 loại hình thiệt hại cùng với biện pháp dự kiến xử lý như sau:

  • Diện tích bị ảnh hưởng từ 35% trở lên (lấm bùn đất toàn bộ thân, lá): thực hiện biện pháp tuốt bỏ lá, đốn phớt ngọn, khơi thông, phá váng thoát nước kịp thời, thực hiện chăm sóc để cây hồi phục;
  • Diện tích ảnh hưởng từ 5 – 35%: diện tích cây có lá bị héo toàn bộ cần đốn đau và chăm sóc;
  • Diện tích từ 1 – 5% cây bị chết, không thể phục hồi: nhổ bỏ, trồng thay thế để đảm bảo diện tích.

Để khôi phục sản xuất, đối với cây dâu tằm cần thực hiện các nội dung sau:

  • Đối với diện tích cây dâu có khả năng phục hồi:

– Đối với những diện tích cây dâu đang bị úng ngập nước cần tiến hành khơi dãnh giữa các luống để tăng cường thoát nước ngập úng.

– Đối với những diện tích đất đã khô dáo: tiến hành xới sáo phá váng (lớp bùn mặt) bằng cách dùng cào, cào nhẹ lớp đất bề mặt vừa khô, nứt nẻ để không khí đi xuống dưới dễ dàng, nhằm cung cấp oxy cho rễ hô hấp tốt. Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học vào thời điểm này để bón gốc. Sau khi phá váng tiến hành phun chế phẩm có chứa Fulvix hoặc Humic toàn bộ bề mặt đất quanh gốc, giúp ổn định pH đất, kích rễ mới và giúp giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất lưu tồn trong thời gian ngập nước. Cắt tỉa hoặc đốn toàn bộ cây dâu để kích thích ra chồi mới. Dọn sạch cây đã chết và thực hiện các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại cho cây. Sau khi cây phục hồi hoàn toàn, tiến hành bón bổ sung NPK chuyên dụng cho cây dâu để tăng cường sinh trưởng, phục hồi bộ lá.

  • Đối với diện tích cây dâu không thể phục hồi: Hỗ trợ trồng lại trong vụ Thu đông (tháng 10 – 11) theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị được Quy định tại Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 16/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái hoặc đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù khác.

          Đề nghị bà con nông dân quan tâm, thực hiện một số giải pháp phục hồi sinh trưởng cho cây Dâu bị thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi gây ra để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch./.

Người viết tin bài: Th.S Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái


Bài viết mới nhất: