CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Dự báo tình hình dịch hại trên lúa tháng 8 năm 2023

Ngày đăng: 11/08/2023

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI TRÊN LÚA THÁNG 8

Vụ Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện gieo cấy được 22.956 ha lúa. Thời tiết nắng mưa xen kẽ, bắt đầu vào các đợt mưa dông sẽ là điều kiện để một số dịch hại phát sinh gây hại trên cây lúa như: Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, … Tháng 8 là thời điểm xung yếu của các đối tượng dịch hại trên cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Do đó, cần tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại chủ yếu như sau:

– Sâu cuốn lá nhỏ: Cao điểm gây hại của sâu lứa 7, dự báo sẽ diễn ra khoảng từ 15/8 – 20/8/2023. Đây là lứa sâu ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, năng suất, sản lượng cây lúa. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm và phòng trừ.

Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa – Ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

– Rầy nâu, rầy lưng trắng: Cao điểm gây hại của rầy lứa 5 sẽ diễn ra khoảng giữa tháng 8 trên lúa giai đoạn đứng cái – làm đòng. Mật độ trung bình 750 con/m2, cao 1.500 – 2.000 con/m2.

– Bệnh khô vằn: Dự báo sẽ xuất hiện gây hại mạnh trong thời gian tới do chịu ảnh hưởng của các đợt mưa bão (ẩm độ, nhiệt độ cao). Mưa nhiều làm cây lúa bị gẫy đổ, khả năng lây lan nấm bệnh nhanh hơn. Đặc biệt đối với những diện tích lúa đã trỗ bông, nếu bệnh gây hại trên lá đòng sẽ gây lép hạt làm giảm năng suất của cây lúa.

Bệnh khô vằn – Ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

– Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại chủ yếu trên những giống nhiễm, giống mẫn cảm, giai đoạn lúa đẻ nhánh và gây hại mạnh ở giai đoạn làm đòng – trỗ bông. Bệnh thường tập trung gây hại ở các vùng thâm canh cao, vùng bị ngập úng, lũ quét, ở những khu vực gần sông suối,…

Bệnh bạc lá – Ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái

II. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1. Biện pháp canh tác

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi kiểm tra đồng ruộng cần lội vào giữa ruộng quan sát kỹ gốc, thân cây lúa để phát hiện sớm, kịp thời các đối tượng dịch hại

– Bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng: Nhện, bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang.

– Vệ sinh đồng ruộng: Diệt cỏ dại, lúa chét để làm mất ký chủ phụ của dịch hại.

– Bón phân cân đối N-P-K, không bón quá nhiều phân đạm, thực hiện bón nặng đầu nhẹ cuối; hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ thiên địch.

2. Biện pháp hóa học

– Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Khi mật độ rầy cao có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Thiamethoxam (Actara 25 WG, Amira 25 WG, …), Abamectin (Abakill 3.6 EC, Abatox 3.6 EC, Shertin 5.0 EC…), Nitenpyram (Dyman 500 WP, Fonica 600 WP, …). Sau khi phun thuốc 3 – 5 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao cần tiếp tục phun lần 2. Khi sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, cần phải rẽ lúa thành từng luống nhỏ, mỗi luống từ 5 – 6 hàng lúa và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại. Phun xong dùng sào gạt lúa trở lại. Khi phun thuốc trừ rầy yêu cầu ruộng lúa phải có đầy đủ nước để đạt hiệu quả cao.

– Sâu cuốn lá nhỏ: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn sau cấy đến đẻ nhánh rộ. Thu lượm bao lá có sâu đem tiêu hủy. Khi mật độ sâu non (tuổi 1 – 2) cao có thể dùng một số loại thuốc có hoạt chất như: Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG; Sunset 300WG; Indony 150SC; …); Abamectin (Reasgant 3.6EC, 5WG; Nouvo 3.6EC; Catex 3.6EC, 100WG; …); Cartap (Padan 95SP; Gà nòi 95SP; Patox 4GR, 95SP; …), … Những diện tích nhiễm nặng cần phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 5 ngày. Phun thuốc khi sâu tuổi nhỏ 1 – 2 hoặc sau khí bướm nở rộ khoảng 5 – 7 ngày.

– Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin (Aremec 45EC, Reasgant 3.6EC, Silsau 10WP, …), Abamectin + Matrine (Amara 55 EC, Luckyler 25EC, …), Cartap (Bazan 5GR; Gà nòi 4GR, 95SP; Padan 4GR, 95SP; …), … 

– Đối với bọ xít dài: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ như: Abamectin (Abakill 3.6EC, Abasuper 1.8EC, …), Acetamiprid (Mospilan 3EC, ), Alpha-cypermethrin (Alphacide 100EC, Anphatox 25EW, Bestox 5EC, …), Cypermethrin (Andoril 250EC, Cymerin 25EC, …), …

– Đối với bệnh khô vằn: Cần phòng trừ bằng một trong những loại thuốc có hoạt chất như sau: Validamycin (Jinggangmeisu 5 SL, 10 WP; Tung vali 5 SL, 5 WP; …), Hexaconazole (Aicavil 100 SC, Anvil® 5 SC, …), Azoxystrobin (Azony 25 SC, Trobin 250 SC, …) … Không bón đạm, thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá trên các ruộng lúa đang bị bệnh.

– Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ như: Bismerthiazol (Sansai 200 WP, Xanthomix 20 WP, TT Basu 250WP, …); Chitosan (Fusai 50SL, Thumb 0.5SL, …); Fosetyl-aluminium (Aliette 800 WG, Alonil 800WG, …).

* Lưu ý:

– Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Thu gom bao bì thuốc sau sử dụng đúng nơi quy định.

– Phải pha và phun đủ lượng nước thuốc trên diện tích lúa (theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì). Không tự ý giảm bớt liều dùng hoặc tăng liều hay pha trộn thêm nhiều loại thuốc khác.   

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái   


Bài viết mới nhất: