CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

DỰ BÁO DỊCH HẠI TRÊN CÂY LÚA CUỐI VỤ MÙA 2024

Ngày đăng: 04/09/2024

Hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện gieo cấy 22.969 ha, cây lúa đang vào giai đoạn cuối vụ, giai đoạn sinh trường từ đứng cái-trỗ-ngậm sữa. Đây là giai đoạn quyết định rất lớn đến năng suất, sản lượng cây lúa. Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, giai đoạn cuối vụ mùa 2024 sẽ có một số đối tượng phát sinh gây hại mạnh như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, … Để bảo vệ sản xuất, đề nghị bà con thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật như sau:

  1. Sâu đục thân bướm 2 chấm

Dự báo: Sâu non lứa 5 gây hại mạnh trên lúa trong khoảng thời gian từ 5/9-20/9, giai đoạn trỗ-ngậm sữa gây hiện tượng bông bạc.

Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ sâu hại cao có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin (Abafax 1.8EC, Aremec 45EC, …); Cartap (Bazan 5GR, Gà nòi 4GR, 95SP, Patox 4 GR…); …

  1. Sâu cuốn lá nhỏ

Dự báo: Sâu non lứa 6 hại mạnh giai đoạn đòng – trỗ bông đầu – giữa tháng 9.

Biện pháp phòng trừ:

– Cần bảo vệ tốt các loài thiên địch như: Nhện, Bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang, ong.

– Thu lượm bao lá có sâu đem tiêu hủy.

– Khi mật độ sâu non cao có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau để phòng trừ: Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, Sunset 300WG, 150 SC, …); Abamectin (Catex 1,8; 3,6 EC, Reasgant 3.6EC, 5WG, …), Chlorfenapyr (Chlorferan 240 SC, Tria 12 SC…) …

– Những diện tích nhiễm nặng cần phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày. Phun thuốc khi sâu tuổi nhỏ 1, 2 hoặc sau bướm nở rộ khoảng 5 – 7 ngày.

  1. Rầy nâu, rầy lưng trắng

Dự báo: Vụ mùa có 2 thời kỳ cao điểm gây hại là vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 khi lúa đứng cái – làm đòng – trỗ bông và cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 10 khi lúa trỗ – chín .

Đề nghị bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và phun thuốc trừ rầy tuổi nhỏ kịp thời.

Biện pháp phòng trừ:

Khi mật độ rầy tuổi 1-2 cao (mật độ rầy trên 2.000 con/m2), tiến hành phun thuốc hoá học từ 2-3 lần để phòng trừ, mỗi lần phun cách nhau từ 4-5 ngày.

– Giai đoạn lúa từ đòng – trỗ: Sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau: Thiamethoxam (Actara 25WG; Amira 25WG, …), Emamectin benzoate (Bemab 40WG, Comda gold 5WG, …), … phun không cần rạch hàng. Không phun thuốc vào lúc lúa đang phơi màu.

– Giai đoạn lúa đã ngậm sữa – chắc xanh: Sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất như: Thiamethoxam (ActaraÒ25 WG, Amira 25 WG, Ranaxa 25 WG…); Abamectin (Abakill 3.6EC, Abatox 3.6EC, Shertin 5.0EC…), Nitenpyram + Pymetrozine (Titan 600 WG; Dorameto 50 SP; Nitendo 80 WG; Dyman 500 WP; Fonica 600 WP, Phoppaway 80 WG…); hoạt chất Buprofezin (Chesone 300 WP…) … Sau khi phun thuốc 1 – 2 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao tiếp tục phun lần 2 (lần 2 phun sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày). Phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại. Chủ động công tác điều tra, phòng trừ kịp thời không để xảy ra hiện tượng cháy rầy. … rạch nhẹ thành luống nhỏ từ 4 – 5 hàng lúa trước khi phun. Những nơi có mật độ rầy quá cao, nên hỗn hợp 2 loại thuốc tiếp xúc và nội hấp để phun, sau khi phun khoảng 5 – 7 ngày phải kiểm tra lại, nếu mật độ rầy còn cao phải phun tiếp lần hai.

  1. Bệnh khô vằn

Dự báo: Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện đồng ruộng có nhiều cỏ dại, độ ẩm không khí cao. Trồng với mật độ quá dày, bón thừa đạm, bón không cân đối phân N, P, K. Bệnh thường gây hại mạnh vào tháng 9 khi có mưa nhiều. 

Biện pháp phòng trừ:

– Dọn sạch tàn dư, cỏ dại để tiêu diệt nguồn bệnh tồn tại ở lá, thân, bẹ, đất.

 – Khi bệnh gây hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất như: Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil 5SC, …), Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super® 300EC, Tilfugi 300 EC, …), Chitosan (Stop 15WP, Thumb 0.5SL, …), …để phòng trừ.

*Lưu ý:     

– Thực hiện tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng kỹ thuật.

– Không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật có phổ tác động rộng để bảo vệ tập đoàn thiên địch trên ruộng lúa như: Nhện, Bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang …

– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

– Phun thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm.

– Sử dụng luân phiên các loại thuốc với nhau để tránh xuất hiện tính kháng thuốc của sâu hại.

– Bà con nông dân cần đẩy mạnh áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI (bón phân cân đối NPK, bón sớm và bón tập trung, rút nước hợp lý…) giúp cây lúa khoẻ, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của thời tiết và các đối tượng sâu bệnh.

Ngoài một số sâu bệnh hại trên, bà con cần lưu ý một số đối tượng khác như: bọ xít dài, chuột, bệnh bạc lá, …        

       Trên đây là dự báo thời điểm phát sinh gây hại mạnh và biện pháp phòng trừ một số dịch hại chính hại cây lúa giai đoạn cuối vụ mùa 2024. Chi cục BVTV đề nghị bà con nông dân, chính quyền tại cơ sở quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra./.

Người viết tinh bài

Th.S: Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: