CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

DỰ BÁO Dịch hại chủ yếu trên một số cây trồng chính, những giải pháp bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024 – 2025

Ngày đăng: 18/12/2024
  1. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỜI TIẾT VỤ ĐÔNG XUÂN 2024 – 2025

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái:

  1. Dự báo Khí tượng, Thủy văn từ tháng 11/2024 – 01/2025

– Cảnh báo khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Tháng 11/2024 – 01/2025 là tháng chính đông, thời tiết chủ yếu là khô rét và rét đậm rét hại (RĐRH) nên gây hại cho cây trồng vật nuôi và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, do đó cần đề phòng khi có KKL tràn về và KKL tăng cường. Thời tiết khô hanh, ít mưa cũng tăng nguy cơ cao xảy ra cháy rừng nhất là khu vực phía tây.

+ Không khí lạnh (KKL): Xảy ra 10 – 12 đợt KKL (kể cả KKL tăng cường) trong đó các đợt KKL tháng 11 – 12 gây thời tiết chủ yếu khô lạnh và có kèm mưa dông vào cuối tháng 12; các đợt KKL tháng 01 gây ra các đợt RĐRH.

+ Rét đậm rét hại (RĐRH): RĐRH có thể xuất hiện vào nửa cuối tháng 12/2024, chủ yếu vào tháng 01/2025 với khoảng 2 – 3 đợt RĐRH.

+ Mưa lớn: Do ảnh hưởng của rãnh gió tây trên cao hoạt động vào tháng 12 nên ở khu vực tỉnh Yên Bái xảy ra một số ngày mưa rào và dông (cục bộ mưa vừa, mưa to), trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động KT – XH: Mưa lớn có khả năng gây ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi. KKL và KKL tăng cường gây RĐRH, băng giá, sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. KKL gây thời tiết khô hanh làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và cháy rừng.

– Nhiệt độ trung bình: Tháng 11/2024 nền nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5 – 1,0oC so với TBNN. Tháng 12/2024 – 01/2025 nền nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN.

– Lượng mưa: Tổng lượng mưa từ tháng 11/2024 đến tháng 01/2025 phổ biến xấp xỉ TBNN.

  1. Xu thế khí tượng, thủy văn từ tháng 02 – 4/2025

KKL: Xảy ra 12 – 14 đợt KKL (kể cả tăng cường).

– Rét đậm, rét hại: Trong tháng 02/2025, còn xảy ra 01 – 02 đợt RĐRH trên diện rộng trên khu vực tỉnh Yên Bái. Từ tháng 3 – 4 chỉ còn xảy ra rét và RĐRH vào đêm và sáng (chủ yếu ở vùng cao).

– Dông, tố lốc, mưa đá: Cuối tháng 2 đến tháng 4, áp thấp nóng có xu thế lấn sang phía đông kết hợp với KKL tăng cường gây hình thế KKL nén rãnh áp thấp gây ra các trận dông tố lốc mưa đá.

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động KT – XH: KKL nén rãnh thấp, hội tụ gió trên cao gây ra dông lốc, mưa đá, sét đánh, gió giật mạnh ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng và tài sản người dân. KKL làm giảm nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

– Nhiệt độ trung bình: Tháng 03 phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5 – 1,5oC so với TBNN. Tháng 02 và tháng 4 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN.

– Lượng mưa: Tháng 02 – 3 phổ biến xấp xỉ TBNN. Tháng 4 lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 5 – 20 mm.

  1. CƠ CẤU GIỐNG VÀ KHUNG LỊCH THỜI VỤ
  2. Cơ cấu giống

1.1. Giống lúa

– Lúa lai gồm: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168, QL301,Thụy Hương 308, Phúc ưu 868, MHC2, WN305, Việt lai 20, 27P53, LP1601, Nghi hương 305, GS55, HKT99, Kim ưu 18, Đắc ưu 11, HQ21, ADI 73.

– Lúa thuần gồm: Hương chiêm, Séng cù, TBR225, TBR97, TBR89,
TBR45, TBR1, Đông A 1, BC15, Bắc thơm (kháng bạc lá), Bắc thơm 7, Thiên
ưu 8, Đài thơm 8, VNR20, VNR88, Dự Hương 8, Hương thơm số 1, HT1, Q5,
Khang dân 18, Khang dân đột biến, Hà Phát 3, DQ11, QR1, Hương Bình, Bắc
hương 9, Hưng Long 555, ĐS1, J01, J02, TBJ3, Nhiệt đới 15, Đại dương 2
(ĐD2), HG12, Hana số 7, Nếp A Sào, Nếp 87, Nếp 97, Nếp Hương, Nếp cái
hoa vàng, Nếp địa phương.

1.2. Giống Ngô: Sử dụng các giốngCP111, CP311, CP511, CP512, CP519, CP811, CP501s, AG59, SSC131, SSC586, SSC557, NK4300, NK4300Bt/GT,
NK66Bt/GT, NK67Bt/GT, NK6275, NK6253, HT119, DK6919s, DK9955s,
NK6654, VS36, LVN667, LVN24, Ngô nếp MX4, MX6, MX10, HN68, HN88,
HN90, HN92, TBM18.

1.3. Giống Đậu tương, Lạc

– Giống Lạc: MD7, L12, L14, TB25

– Giống Đậu tương: ĐT12, ĐT84, ĐT94, AK02.

  1. Khung lịch thời vụ

 

Vùng sản xuất  Trà  Tỷ lệ (%) Phương thức
 gieo mạ
Thời vụ
gieo mạ
(ngày)
Tuổi mạ
(lá)
Thời vụ cấy
 (ngày)
Dự kiến
thời gian trỗ
(ngày)
 Huyện Mù Cang Chải I 100 Mạ dày xúc có mái che ni lon 6- 15/01/2025 3,5 – 4 6 – 15/2/2025 1 – 10/5/2025
Huyện Trạm Tấu, các xã vùng cao  huyện Văn Chấn, huyện Văn Yên I 50 Mạ khay, mạ dày xúc có mái che ni lon 6 – 12/01/2025 3 – 3,5 5 – 18/2/2025 25/4 – 5/5/2025
II 50 12 – 18/01/2025 3 – 3,5 12 – 22/2/2025 5 – 15/5/2025
 Thị xã Nghĩa Lộ I 70 Mạ khay, mạ dày xúc có mái che nilon 6 – 10/01/2025 3 – 3,5 22/1 – 28/1/2025 10 – 18/4/2025
II 30 12 – 18/01/2025 3 – 3,5 3/2 – 10/2/2024 22/4 – 30/4/2025
Các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và các xã còn lại huyện Văn Yên, Văn Chấn I 70 Mạ khay, mạ dày xúc có mái che nilon 6 – 15/01/2025 3- 3,5 22/1 – 5/2/2025 25/4 – 5/5/2025
II 30 15 – 25/01/2025 3 – 3,5 5 – 15/2/2025 30/4 – 10/5/2025

 

Các tiết trong vụ:

Tiểu hàn: 5/1; Đại hàn: 20/1; Tết Nguyên đán: 29/1; Lập Xuân: 3/2; Cốc vũ: 20/4; Lập hạ: 5/5; Tiểu mãn: 21/5.

III. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI CHỦ YẾU TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH VỤ ĐÔNG XUÂN 2024 – 2025

  1. Trên cây lúa

1.1. Bệnh hại

  1. Bệnh đạo ôn: Là đối tượng dịch hại cần được quan tâm và có biện pháp chỉ đạo phòng trừ ngay từ đầu vụ.

– Giai đoạn mạ: Bệnh có thể xuất hiện gây hại từ khi cây mạ có từ 1,5 lá trở đi tuỳ điều kiện thời tiết.

– Giai đoạn lúa sau cấy: Bệnh phát sinh gây hại rải rác từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 trên cây lúa đẻ nhánh. Cao điểm gây hại của bệnh vào cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, bệnh có thể gây hại trên tất cả các giống lúa thuần, lúa nếp và những giống lúa mẫn cảm đang gieo trồng trên địa bàn tỉnh.

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 bệnh gây hại trên gié, cổ bông của cây lúa trên trà lúa trỗ cuối tháng 4 (vùng thấp) và đầu đến giữa tháng 5 (huyện vùng cao và các xã vùng cao). Dự báo bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông vụ Đông Xuân 2024 – 2025 có thể gây hại nặng trên các giống lúa thuần, giống mẫn cảm ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

  1. b) Bệnh lùn sọc đen

Bệnh có thể phát sinh gây hại từ giai đoạn mạ, gây hại mạnh giai đoạn đẻ nhánh trên những vùng có lúa chét, ngô đã nhiễm nguồn bệnh từ các vụ trước.

  1. c) Bệnh bạc lá

Bệnh gây hại mạnh trên các giống lúa lai (đặc biệt là các giống mẫn cảm)  và một số giống lúa thuần bắt đầu từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ – đứng cái – làm đòng – trỗ – chắc xanh ở các huyện vùng thấp. Đặc biệt lưu ý các vùng thâm canh cao, bón thừa đạm, vùng trũng, vùng úng, ven sông suối… và sau các đợt mưa bão.

  1. d) Bệnh khô vằn

Gây hại trên tất cả các giống lúa. Bệnh hại nhẹ giai đoạn lúa đẻ nhánh – làm đòng. Cao điểm của bệnh ở các giai đoạn: Trỗ – chín sữa – chín sáp. Bệnh gây hại nặng ở những chân ruộng trũng hẩu, cấy với mật độ dày, bón thừa đạm… Đặc biệt trong điều thời tiết nóng ẩm kéo dài rất thuận lợi cho bệnh gây hại.

1.2. Sâu hại

  1. a) Rầy nâu, rầy lưng trắng

Giai đoạn lúa đẻ nhánh mật độ rầy gây hại thấp.

Rầy cám lứa 2 sẽ xuất hiện rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại cây lúa ở giai đoạn làm đòng – trỗ – chắc xanh và trên trà lúa trỗ cuối tháng 4 – đầu tháng 5. Rầy nâu hại mạnh các giống nhiễm như: Lúa lai, nếp và các giống lúa chất lượng cao ở các huyện vùng thấp trên địa bàn tỉnh. Từ đầu tháng 5 trở đi nếu không chủ động thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, tiến hành phòng trừ kịp thời có khả năng sẽ xuất hiện cháy rầy ảnh hưởng đến năng suất.

 Rầy cám lứa 3 sẽ gây hại rộ từ đầu đến giữa tháng 5, hại trên trà lúa trỗ từ mùng 10/5 trở đi.

  1. b) Chuột: Cao điểm gây hại ở 2 giai đoạn chính: Giai đoạn lúa đẻ nhánh và giai đoạn làm đòng – trỗ bông. Chuột cắn đứt ngang thân cây lúa và gây héo dảnh ở giai đoạn trỗ bông làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không phòng chống kịp thời.
  2. c) Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm

Sâu non lứa 1 gây hại giai đoạn cây lúa đứng cái – làm đòng từ đầu đến giữa tháng 4 trở đi. Trưởng thành lứa 2 vũ hóa rải rác cuối tháng 4, ra rộ đầu tháng 5. Sâu non đục lỗ chui vào bên trong cuống đòng, bông cắn đứt hệ thống mạch dẫn gây bông bạc trên lúa từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 ở vùng thấp, giữa tháng 5 ở vùng cao sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng xuất, sản lượng cây lúa.

  1. d) Ốc bươu vàng

Thường xuất hiện gây hại từ giai đoạn lúa mới cấy đến đẻ nhánh. Ốc bươu vàng gây hại trên tất cả các giống lúa, ốc cắn đứt ngang thân cây lúa gây nên hiện tượng mất khoảng làm giảm mật độ của lúa cấy.

đ) Bọ xít dài: Gây hại mạnh giai đoạn cây lúa trỗ – chín sữa ở tất cả các trà lúa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại khác như: Sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục nõn, bọ trĩ, rầy nâu nhỏ, rầy xanh đuôi đen, bọ xít đen, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh nghẹt rễ, bệnh hoa cúc…

  1. Trên một số cây trồng khác

2.1. Trên cây rau, màu

– Cây rau họ hoa thập tự: Sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn, bệnh lở cổ rễ…

– Cây họ cà: Sâu đục quả; Bệnh xoăn lá virus, bệnh héo xanh do vi khuẩn, bệnh mốc sương…

– Cây họ Đậu (đậu đỗ, đậu cove…): Sâu đục quả, bệnh thán thư, bệnh khảm lá do virus,…

2.2. Trên cây ngô

– Giai đoạn cây con: Sâu xám, sâu keo mùa thu, bệnh lùn sọc đen bệnh chân trì huyết dụ, bệnh đốm lá, chuột…

– Giai đoạn trỗ cờ – bắp: Sâu đục thân, sâu đục cờ, rệp cờ, sâu đục bắp, sâu cắn lá, bệnh khô vằn, bệnh phấn đen hại bắp, bệnh gỉ sắt, bệnh đốm lá, chuột hại bắp….

2.3. Trên cây đậu tương: Ruồi đục thân, sâu đục quả, sâu cuốn lá; Bệnh gỉ sắt, bệnh sương mai,…

2.4. Trên cây sắn

– Bệnh khảm lá virus hại sắn: Vụ sắn năm 2025, đề nghị các cơ quan chuyên môn, nông dân tại địa phương cần chủ động phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn ngay từ đầu vụ sản xuất. Đặc biệt nghiêm cấm sử dụng, lưu thông cây giống từ vùng bị bệnh (các vùng đã xác định bệnh tại huyện Văn Yên) sang vùng sản xuất sắn khác (tại nội bộ xã đã phát hiện bệnh và các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh). Đối với những vùng, thôn, hộ sản xuất đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước thực hiện theo dõi, quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không dùng giống từ vùng nhiễm bệnh để làm giống và lưu thông giống; Đối với những diện tích trồng sắn đã bị nhiễm bệnh (Trọng điểm tại xã Châu Quế Thượng – huyện Văn Yên) nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc những cây không phải là ký chủ của bọ phấn là môi giới truyền bệnh khảm lá virus (cây cà chua, cà pháo, bầu bí,…) ít nhất một năm sản xuất để đảm bảo phòng trừ bệnh triệt để (có thể chuyển sang trồng ngô, cây họ đậu…, tuyệt đối không trồng cây lâm nghiệp để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch vùng trồng sắn).

– Ngoài ra cần chú ý đến các đối tượng khác như: Nhện đỏ, bọ phấn trắng, bệnh thán thư, bệnh thối củ, mối hại…

2.5. Trên cây chè

 Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ có thể bắt đầu xuất hiện gây hại từ tháng 4 trở đi, cao điểm gây hại vào tháng 5.

Bệnh phồng lá, thối búp, chấm xám… bắt đầu xuất hiện gây hại ở giai đoạn tháng 3, cao điểm vào tháng 4, 5.

2.6. Trên cây ăn quả có múi:

Các đối tượng dịch hại như: Sâu vẽ bùa, sâu nhớt, rầy chổng cánh hại lộc xuân; nhện đỏ, nhện trắng gây hại ở giai đoạn quả non từ tháng 4, 5; sâu xanh bướm phượng gây hại từ tháng 4 trở đi.

 Bệnh vàng lá thối rễ, bệnh sẹo (ghẻ) , bệnh loét, bệnh muội đen, bệnh chảy gôm,bệnh Greening,… gây hại ở tất cả các tháng trong năm.

2.7. Trên nhãn, vải: Bệnh sương mai, bệnh thán thư, nhện lông nhung hại giai đoạn lộc, sâu đục quả, bọ xít nâu hại giai đoạn quả non.

2.8. Trên cây lạc: Sâu xám, sâu cuốn lá, bệnh lở cổ rễ, bệnh đốm lá,… gây hại bắt đầu từ giai đoạn cây con trở đi.

2.9. Trên cây lâm nghiệp:

* Cây Quế: Sâu róm xanh, sâu đo ăn  lá phát sinh gây hại vào cuối tháng 2 – đầu tháng 3, cao điểm gây hại vào tháng 6, 7; Sâu đục thân, đục cành, bọ xít nâu sẫm, sâu gặm vỏ, bệnh phấn trắng…

* Cây lâm nghiệp khác:

– Sâu xanh ăn lá bồ đề gây hại từ tháng 5 – 6 trở đi.

– Bệnh khô lá bạch đàn gây hại từ tháng 3 trở đi.

– Mọt đục cành, bệnh phấn trắng, bệnh chết héo gây hại cây keo giai đoạn từ tháng 3 – 4 trở đi.

– Sâu róm ăn lá thông gây hại từ tháng 3 trở đi.

– Sâu ong ăn lá mỡ gây hại từ tháng 3 trở đi.

– Châu chấu tre ăn lá cây họ tre, trúc (măng tre bát độ, tre, nứa, luồng, vầu, hóp, mai…) từ tháng 4 trở đi.

  1. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ DỊCH HẠI CÂY TRỒNG VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2024 – 2025
  2. Biện pháp thủ công, sinh học

– Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng trước và sau khi trồng.

– Xử lý hạt giống trước khi trồng, chọn cây giống khoẻ, không bị sâu bệnh hại.

– Luân canh với cây trồng khác họ, bón phân cân đối, mật độ trồng hợp lý.

– Ngắt ổ trứng, thu gom lá có ổ sâu non đem đốt. Dọn sạch tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh.

– Bảo vệ thiên địch: Kiến 3 khoang, bọ xít 5 cạnh, bọ cánh cứng ăn thịt, nhện, ong ký sinh, bọ rùa…

  1. Biện pháp hóa học: Khi mật độ dịch hại cao, có thể sử dụng một số loại thuốc hoá học có chứa các hoạt chất để phòng trừ như:
  2. a) Trên cây lúa

– Bệnh đạo ôn: Hoạt chất Isoprothiolane; Propineb; Tricyclazole;…

– Bệnh bạc lá: Hoạt chất Bismerthiazol; Kasugamycin; Oxolinic acid;…

– Bệnh khô vằn: Hoạt chất Hexaconazole; Chlorothalonil; Cyproconazole + Propiconazole;…

– Rầy nâu, rầy lưng trắng: Hoạt chất Thiamethoxam; Fenobucarb (BPMC); Abamectin;…

– Chuột: Hoạt chất Brodifacoum; Bromadiolone; Coumatetralyl;…

– Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm: Hoạt chất Abamectin; Abamectin + Alpha-cypermethrin; Cartap;…

– Ốc bươu vàng: Hoạt chất Metaldehyde; Niclosamide; Niclosamide-olamine;…

  1. b) Trên cây ngô

– Sâu xám: Hoạt chất Imidacloprid; Thiamethoxam; Cyantraniliprole +
Thiamethoxam;…

– Sâu keo mùa thu: Hoạt chất Abamectin + Chlorantraniliprole; Bifenthrin + Imidacloprid; Chlorfenapyr;…

Sâu đục thân, đục bắp: sử dụng thuốc chứa hoạt chất Chlorantraniliprole
+ Thiamethoxam; Chlorpyrifos Methyl; Deltamethrin;…

– Bệnh khô vằn: Hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole ; Difenoconazole + Propiconazole; Hexaconazole;…

– Bệnh đốm lá: Hoạt chất Mancozeb; Mancozeb + Metalaxyl-M; Picoxystrobin;…

  1. c) Trên cây chè

– Rầy xanh: Hoạt chất Abamectin; Abamectin + Azadirachtin; Abamectin + Matrine;…

– Bọ xít muỗi: Hoạt chất Abamectin + Matrine; Emamectin benzoate (Avermectin B1a + Avermectin B1b); Emamectin benzoate + Petroleum oil;…

– Bọ cánh tơ: Hoạt chất Emamectin benzoate (Avermectin B1a  + Avermectin B1b); Emamectin benzoate + Matrine;…

– Nhện đỏ: Hoạt chất Emamectin benzoate (Avermectin B1a  + Avermectin B1b); Matrine;…

– Bệnh phồng lá chè: Hoạt chất Imibenconazole; Cucuminoid + Gingerol; Kasugamycin + Polyoxin;…

  1. d) Trên cây ăn quả có múi

– Sâu vẽ bùa: Hoạt chất Abamectin; Abamectin + Azadirachtin; Abamectin + Bacillus thuringiensis var.kurstaki;…

– Rầy chổng cánh: Hoạt chất Abamectin; Abamectin + Matrine;…

– Nhện đỏ: Hoạt chất Propargite; Rotenone; Spinosad;…

– Bệnh sẹo: Hoạt chất Kasugamycin; Kresoxim-methyl;…

đ) Trên cây sắn

– Bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh khảm lá virus hại sắn): Hoạt chất Afidopyropen; Chlorfenapyr + Thiamethoxam; Clothianidin; …

– Nhện đỏ: Hoạt chất Abamectin; Clofentezine + Pyridaben; Emamectin benzoate + Monosultap;…

  1. GIẢI PHÁP CHỈ ĐẠO, THỰC HIỆN
  2. Đề nghị Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, phát hiện dịch hại trên các loại cây trồng. Theo dõi thường xuyên, phát hiện sớm, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại chủ yếu trên từng loại cây trồng, chủ động kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo phòng chống khi có mật dịch hại cao. Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tình hình dịch hại cây trồng hàng tuần theo quy định.
  3. Tiếp tục phát động phong trào toàn dân diệt chuột. Chú trọng biện pháp thủ công và dùng thuốc sinh học diệt chuột. Hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường. Tăng cường khuyến khích nuôi mèo, bảo vệ thiên địch của chuột.
  4. Trong công tác phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng chỉ sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng; Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thời gian cách ly ngắn (3 – 5 ngày) để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.

Trên đây là Dự báo tình hình dịch hại và một số giải pháp chính trong công tác tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch hại cây trồng vụ Đông Xuân năm 2024 – 2025 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái. Đề nghị các địa phương, các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp, chỉ đạo thực hiện./.

Nguyễn Mạnh Tuấn – Trưởng phòng Nghiệp vụ

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: