Theo đề nghị của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Bình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành lập đoàn công tác thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng vườn Bưởi cổ tại hộ gia đình ông Trần Quang Khải, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Cụ thể:
- Hiện trạng
Vườn bưởi khoảng 400 cây với tuổi đời từ 35 – 50 năm, trồng tại diện tích đất vườn trũng. Về đánh giá ban đầu:
– Sâu, bệnh hại: qua quan sát, cây bị một số đối tượng dịch hại như nhện đỏ, sâu vẽ bùa, bệnh chảy gôm gây hại nhẹ.
– Phần thân, cành cây bị rêu, địa ý, tầm gửi xâm nhập gây hại.
– Cây bị ngập úng nước do cơn bão số 3.
– Công tác chăm sóc: bón phân, phòng trừ dịch hại chủ vườn chưa thực hiện theo quy trình.
- Giải pháp khắc phục, trẻ hoá vườn bưởi
2.1. Tỉa cành tạo tán
Thực hiện dọn tỉa cành nhánh, cắt bỏ những cành già cỗi, nhiễm bệnh và cành vượt trong thân. Khi cây dần hồi phục, tiếp tục loại bỏ các cành yếu, tỉa chồi non để giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi các bộ phận còn lại tốt hơn. Việc tỉa cành giúp cây tạo ra hệ thống cành mới, trẻ hóa cây, và cân đối tán cây với hệ thống rễ, giúp cây hấp thụ nước và dinh dưỡng hiệu quả hơn.
2.2. Cải tạo đất
– Cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục vườn lâu năm. Đất lâu ngày canh tác bị chua, chai cứng, khiến rễ cây kém phát triển và không đủ sức nuôi cành nhánh.
– Việc xới đất để bổ sung phân hữu cơ như rơm rạ, xác bã thực vật, và tro trấu giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tạo điều kiện cho cây phát triển bộ rễ mới, khỏe mạnh, tăng khả năng hấp thu nước và dưỡng chất.
2.3. Dinh dưỡng
– Để trẻ hóa cây bưởi cần làm là kích thích cho bộ rễ khỏe mạnh. Có thể sử dụng một số sản phẩm kích rễ, dưỡng rễ Combo 01-New: Siêu kích rễ T-ROOT, Năm con chim én…, kết hợp với phân bón phân đa vi lượng để bổ xung dinh dưỡng cho cây..
– Bón phân Lân nung chảy Văn Điển với lượng 0,5 kg/gốc để tăng cường phát triển bộ rễ tơ của cây, giúp cây tăng khả năng hút chất dinh dưỡng trong đất.
– Ngoài ra, cần tập trung bón phân hữu cơ cho cây, liều lượng 10kg/gốc. Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, duy trì dinh dưỡng, hỗ trợ cây phục hồi và phát triển bền vững.
- Biện pháp phòng trừ dịch hại, rêu, tầm gửi ký sinh
– Thực hiện phòng trừ các đối tượng dịch hại như nhện đỏ, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, bệnh loét, bệnh sẹo, bệnh ghẻ, bệnh muội đen…Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hiện có tại địa phương.
– Đối với đối tượng rêu hại thân cây có thể xử dụng thuốc chứa gốc Đồng để phun trừ chưa hoạt chất như Cuprous Oxide (NORSHIELD 86.2WG) hoặc Nano đồng C-Protex, đồng Booc đô… để quét lên thân cành hoặc phun trực tiếp cho cây.
– Đối với địa y, tầm gửi cần sử dụng biện pháp thủ công để loại bỏ: dùng cào, bóc tách bằng biện pháp cơ học./.
Nguyễn Mạnh Tuấn – Trưởng phòng Nghiệp vụ
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái