CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Chương trình giám sát ruồi đục quả trên quả bưởi tươi xuất khẩu sang thị trường hoa kỳ

Ngày đăng: 23/01/2024

Đối với sản phẩm quả bưởi tươi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có 5 đối tượng dịch hại bị cấm. Trong đó khó kiểm soát nhất là ruồi đục quả. Nhóm ruồi đục quả gồm: Ruồi đục quả phương đông (Bactrocera dorsalis) và Ruồi đục quả ổi (Zeugodacus cucurbitae). Để đảm bảo chất lượng quả bưởi tươi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, các vùng trồng cần chủ động thực hiện chương trình giám sát ruồi đục quả theo đúng hướng dẫn. Cụ thể như sau:

1. Đặc điểm phát sinh gây hại

Ruồi trưởng thành đẻ trứng vào phần vỏ quả, sâu non nở ra, ăn phá bên trong phần thịt quả, làm quả hư và bị rụng, năng suất giảm đáng kể nếu không có biện pháp phòng trừ

Gây hại chủ yếu ở giai đoạn sâu non trên quả trước và sau thu hoạch

Trứng, sâu non có thể lây lan và gây hại qua việc vận chuyển và xuất nhập khẩu quả tươi, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu quả tươi

2. Biện pháp phòng trừ

– Vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy các quả rụng

– Thu hoạch quả đúng thời gian, không lưu quả lại quá lâu trong vườn

– Đặt bẫy: pheromone, protein thủy phân, bẫy dính

– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục như: Vizubon D AL; Acdruoivang 900 OL; Ento-Pro 150SL; … đảm bảo thời gian cách ly

3. Chương trình giám sát ruồi đục quả trên bưởi (ISPM 06)

(1) Phạm vi giám sát: vùng trồng bưởi

(2) Đối tượng giám sát: Ruồi đục quả Bactrocera sp.

(3) Thời gian giám sát: Từ lúc cây bưởi ra hoa

(4) Phương pháp giám sát: Đặt bẫy

a) Vật liệu đặt bẫy

– Loại bẫy: Steiner; McPhail; Bẫy dính vàng

– Chất dẫn dụ: Methyl Eugenol (ME)/Cue Lure (Cu)

b) Quy trình đặt bẫy:

– Đặt bẫy ở vị trí râm mát và ở phía cây đón gió. Những điểm đặt bẫy thích hợp khác là mặt hướng đông của cây, phía đón ánh nắng sớm, những vị trí trên cây có thể bảo vệ ruồi đục quả trước gió lớn và kẻ thù của chúng.

– Móc treo bẫy có thể cần được quét thuốc trừ sâu để ngăn kiến có thể ăn mất ruồi đục quả bắt được. Bẫy không nên hướng trực tiếp về phía mặt trời, hướng gió to hoặc bụi bẩn. Bẫy đặt nơi thông thoáng, không bị che bởi cành cây, lá cây hay các vật cản khác như mạng nhện để đảm bảo lối vào cho ruồi đục quả.

– Mật độ: 2 – 4 bẫy/km2

c) Lập bản đồ bẫy

Một khi bẫy được bố trí tại các địa điểm được lựa chọn theo mật độ và cách phân bố hợp lý, cần ghi chép lại vị trí của bẫy. Nên lập bản đồ vị trí các bẫy, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

d) Kiểm tra và bảo trì bẫy

– Kiểm tra bẫy: Định kỳ 7 ngày/lần

– Bảo trì và thay bả/chất dẫn dụ 4 tuần/lần

– Các chất dẫn dụ phải được sử dụng với liều lượng và nồng độ phù hợp và được thay thế theo thời gian nhà sản xuất khuyến cáo.

đ) Lưu trữ hồ sơ đặt bẫy

Để lưu trữ dữ liệu việc đặt bẫy nhằm củng cố các kết quả điều tra, cần thu thập những thông tin sau:

 Vị trí bẫy

– Cây trồng nơi đặt bẫy

– Loại bẫy và chất dẫn dụ

– Ngày kiểm tra và thêm thuốc

– Loài ruồi đục quả bắt được

– Thời gian lưu hồ sơ: 02 vụ

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: