CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Chủ động khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải

Ngày đăng: 11/08/2023

Trung tâm xã Hồ Bốn ngổn ngang sau lũ – Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Để chủ động khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, ngày 08/8/2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ra văn bản số 160/TTBVTV-NV về việc tập trung khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải với một số nội dung sau:

1. Huy động các lực lượng khẩn trương nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu nước nhanh gọn, tránh để tình trạng ngập úng lâu ngày. Dọn dẹp, khôi phục hệ thống mương dẫn, đắp bờ, vệ sinh đồng ruộng, nương bãi sau khi bị ngập úng, vùi lấp.

2. Đối với cây lúa:

– Những diện tích lúa bị ngập nước nhưng nước tràn qua hoặc rút nhanh, khả năng phục hồi khá, khẩn trương tiến hành vừa tiêu nước vừa áp dụng các biện pháp rửa bùn trên lá, gỡ bỏ thân cây que, dựng lại diện tích lúa bị đổ rạp, kết hợp sục bùn để thoát khí độc trong đất tạo thông thoáng cho lúa phát triển. Không bón phân ngay sau khi nước rút, chỉ thực hiện sau khi cây lúa hoàn toàn hồi phục. Thường xuyên kiểm tra các loại dịch hại thường phát sinh gây hại khi bão, lũ quét, ngập úng xảy ra như bệnh bạc lá, thối thân, đốm sọc vi khuẩn… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

– Đối với những những diện tích lúa không có khả năng hồi phục cần tập trung vệ sinh và tháo khô ruộng. Chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác như: Ngô, đậu tương, lạc, rau…

3. Đối với vùng ngô, rau màu:

– Đối với cây ngô: Tập trung vệ sinh nương đồi. Đối với diện tích cây còn nhỏ, khắc phục được thực hiện dựng lại cây bị đổ kết hợp vun gốc chống đổ. Đối với diện tích không khắc phục được, tiến hành dọn dẹp, chặt bỏ làm thức ăn gia súc và tổ chức gieo trồng lại (hiện còn thời vụ gieo trồng vụ Hè thu).

– Đối với cây rau: Với ruộng ngập ngắn ngày và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun một số loại phòng trừ nấm hại như: Kamsu 8WP, Stepguard 50SP, 100SP, Anvil 5SC, Biobus 1.00WP… để phòng trừ nấm gây bệnh lở cổ rễ, bệnh thối nhũn…; kết hợp một số chế phẩm siêu lân để phun hoặc tưới bổ sung cho cây, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi. Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn thì tạm dừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi; đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm xảy ra.

4. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sâu bệnh hại sau mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra. Khẩn trương rà soát chính xác diện tích thiệt hại, mức độ thiệt hại sản xuất theo quy định, kịp thời tham mưu báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: