CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tích cực bảo vệ lúa xuân

Ngày đăng: 20/05/2023

Hiện, lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông và đây cũng là thời điểm then chốt quyết định tới năng suất lúa. Các địa phương và nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh phát sinh.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu bệnh trên lúa xuân

Vụ xuân 2023, toàn tỉnh gieo cấy 19.539 ha, đạt 103% kế hoạch; trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 55 – 60%; lúa thuần chiếm 40 – 45%. Hiện, các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ bông. Tính đến ngày 11/5, toàn tỉnh đã có trên 15.400 ha lúa trỗ, diện tích lúa đã thu hoạch là 800 ha, đạt 4,09% (tập trung ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn). 
 
Tuy nhiên, thời gian qua, thời tiết diễn biến rất phức tạp, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao… là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại trên các trà lúa. 
 
Theo điều tra mới nhất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có 123 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá; trong đó, nhẹ 105 ha, trung bình 18 ha gây hại ở các huyện: Lục Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên; bệnh khô vằn, diện tích nhiễm 292 ha gây hại ở các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. 
 
Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng gây hại với mật độ phổ biến 870 con/m2, cao 3.100 con/m2; diện tích nhiễm 242 ha; trong đó, nhẹ 209 ha, trung bình 30 ha, nặng 3 ha ở huyện Văn Chấn. 
 
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng, mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. 
 
Đặc biệt, cần đề phòng bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân; trong đó, đặc biệt chú ý bệnh đạo ôn lá và nếu không phòng trừ kịp thời rất có khả năng phát sinh gây hại mạnh và gây hại lên cổ bông, cổ gié, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.
 
Để chủ động phòng chống dịch hại trên cây lúa, từ nay đến cuối vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thường xuyên thực hiện điều tra theo dõi tình hình dịch hại. 
 
Làm tốt công tác dự tính dự báo tình hình dịch hại trên cây trồng; từ đó, đưa ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả để phòng chống các đối tượng dịch hại, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật phòng trừ dịch hại. 
 
Cụ thể, đối với bệnh đạo ôn, khuyến cáo nông dân không bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ nước trong ruộng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, phun phòng trừ bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Azoxystrobin 200g/l + Difenoconazole 125g/l. 
 
Những diện tích bị bệnh đạo ôn lá nặng, phải thực hiện phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước trỗ từ 5 – 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu. Bên cạnh đó, bà con cần lưu ý bệnh khô vằn, bởi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ rất thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại, đặc biệt đối với những diện tích lúa đã trỗ bông, nếu bệnh gây hại lên lá đòng sẽ làm giảm năng suất cây lúa. Cần phòng trừ bằng một trong những loại thuốc có hoạt chất như sau: Validamycin (Jinggangmeisu 5 SL, 10 WP; Tung vali 5 SL, 5 WP…), Hexaconazole (Aicavil 100 SC, Anvil® 5 SC…), Azoxystrobin (Azony 25 SC, Trobin 250 SC).  
 
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, cần khoanh vùng diện tích có mật độ rầy cao của các trà lúa, đặc biệt chú ý ở các huyện và xã vùng cao; không phun thuốc tràn lan hoặc phun thuốc khi mật độ rầy thấp. Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất sau để phun trừ như: Thiamethoxam (Actara 25 WG, Amira 25 WG…), Abamectin (Abakill 3.6 EC, Abatox 3.6 EC, Shertin 5.0 EC…), Nitenpyram (Dyman 500 WP, Fonica 600 WP…). 
 
Sau khi phun thuốc 1 – 2 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao tiếp tục phun lần 2 (lần 2 phun sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày. Cùng đó, để đạt hiệu quả phòng trừ cao, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp.
Văn Thông

Bài viết mới nhất: