CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Biện pháp phòng trừ “bệnh mốc sương” trên cây cà chua

Ngày đăng: 24/01/2024

Mốc sương là bệnh gây hại phổ biến trên cây cà chua. Bệnh hại có thể làm giảm năng suất từ 40 đến 70%, bệnh nặng có thể làm thất thu hoàn toàn. Vì vậy việc phát hiện bệnh sớm và phòng trị kịp thời mang lại hiệu quả cao trong việc thâm canh cây cà chua.

Bệnh do nấm Phytophthora infestans gây ra. Nấm tồn tại dưới dạng sợi nấm và lây lan nhờ gió và nước. Bệnh phát sinh gây hại mạnh ở điều kiện thời tiết ẩm độ cao, trời âm u, có nhiều sương. Ở nước ta bệnh có thể phát sinh quanh năm, tuy nhiên vụ cà chua đông xuân có điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh và gây hại hơn. Trên địa bàn Tỉnh Yên Bái bệnh phát sinh gây hại cao điểm vào tháng 01 dương lịch.

Bệnh gây hại trên lá, thân và quả. Trên lá: Vết bệnh thường xuất hiện ở mép lá, là những đốm nhỏ màu xanh nhạt, hơi ướt. Vết bệnh lớn dần lan vào phía trong phiến lá, màu nâu, có ranh giới rõ rệt với phần xanh còn lại của lá. Ở mặt dưới lá, vết bệnh có một lớp mốc trắng như sương. Bệnh nhẹ lá hơi bị cháy, bệnh nặng có thể làm toàn bộ phiến lá bị cháy khô.

Trên thân: vết bệnh có dạng dài, màu nâu, hơi lõm vào vỏ thân. Trên quả: bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của quả, trên quả có những đốm màu xanh xám, có vẻ ướt; vết bệnh lớn dần, chuyển sang màu trắng đục sau đó chuyển sang màu nâu, hơi lõm; quả nhăn nheo, có viền rõ và bên trong có thể bị thối. Bệnh nhẹ quả hơi nám và cứng, bệnh nặng quả không phát triển được, sau đó bị rụng.

Để chủ động phòng chống bệnh mốc sương trên cây cà chua, trước khi trồng cần vệ sinh đồng ruộng bằng cách dọn sạch hoàn toàn các cây bị bệnh, cây ký chủ phụ và phần còn lại của chúng từ các vụ trước. Tiếp theo là việc chọn giống, ưu tiên chọn những giống có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Độ ẩm trên ruộng cũng nên giữ ở mức thấp trong chừng mực có thể, bằng cách điều chỉnh việc tưới nước.

Nên trồng luân canh các loại cây khác nhau. Tăng cường bón kali. Khi thấy điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh phát sinh như trời âm u, có nhiều sương mù, nhiệt độ không khí thấp nên thăm ruộng thường xuyên để phát hiện sớm, nếu thấy bệnh xuất hiện thì phun thuốc càng sớm càng tốt. Dùng thuốc trừ bệnh sinh học BIONITE WP hoặc thuốc hoá học thường dùng có khá nhiều như các hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 75WP, 500SC…), Mancozeb (Manozeb 80WP…), Metalaxyl+Mancozeb (Ricide 72WP…),.

Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện. Điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 – 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Việc phun liên tiếp một loại thuốc trừ bệnh trong nhiều lần có thể dẫn đến sự kháng thuốc của mầm bệnh, vì thế làm giảm hiệu lực phòng trừ. Để tránh điều này, nên sử dụng luân phiên các loại thuốc với nhiều kiểu tác động khác nhau (tiếp xúc, nội hấp…) trong một chu kỳ phun.

Lưu ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng kỹ thuật). Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, đảm bảo thời gian cách ly. Khi sử dụng xong phải thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định.

KS. Cao Thị Nga

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: