CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Bệnh phấn trắng hại trên cây Quế

Ngày đăng: 28/03/2024

Bệnh phấn trắng do nấm gây ra, chúng thường tồn tại trong các tàn dư của hạt giống, lây lan bệnh theo chiều gió. Bệnh khiến cho cây quế ngừng sinh trưởng và phát triển do không hấp thu được dinh dưỡng và không có khả năng quảng hợp.

1. Nguyên nhân, triệu chứng

Bệnh phấn trắng hại quế do nấm ký sinh Erysiphe cichoarcearum gây ra, các sợi nấm bám vào trên hai mặt lá, chúng tạo vòi đâm sâu vào tế bào hút hết dinh dưỡng. Bệnh lây lan bằng bào tử phát tán mạnh nhờ gió, không khí, mưa…

Trên mặt lá xuất hiện các đốm trắng nằm rải rác. Số lượng đốm tùy thuộc mức độ xâm hại của nấm phấn trắng. Ban đầu, cây quế bị bệnh phấn trắng có biểu hiện héo rũ nhẹ. Theo thời gian, các đốm trắng phủ dày đặc ở hai mặt lá. Lá quế biến dạng: khô, teo tóp, xoắn lại. Bệnh lan dần đến thân cây, tạo thành lớp mốc trắng xung quanh thân. Tầng lá phía trên là nơi nhiễm bệnh phấn trắng đầu tiên. Cây quế phát triển kém, còi cọc, thân cây không thể đứng thẳng.

2. Quy luật phát sinh gây hại

Bệnh phát sinh mạnh khi độ ẩm không khí cao, mưa dai dẳng, thời tiết thay đổi thất thường từ nắng sang mưa. Thời điểm phát sinh là cuối tháng 2 – giữa tháng 3, từ tháng 5 – 6. Vườn quế từ 3 – 10 năm tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh phấn trắng ở mức hại nhẹ, vườn quế mới từ 1 – 4 năm tuổi có xu hướng bị nặng hơn, một phần do chưa có khả năng chống chịu thời tiết tốt.

3. Biện pháp phòng trừ

Trồng đúng mật độ, không trồng quá dầy, tỉa thưa hợp lý đảm bảo mật độ phù hợp cho rừng quế, dọn thực bì, bón phân cân đối tạo điều kiện cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh.

Đối với diện tích cây đã trồng lâu năm đến tuổi khai thác, có thể thu hoạch thì tiến hành thu hoạch để vệ sinh thực bì và trồng mới thay thế, nên trồng rừng quế xen với cây lâm nghiệp khác loài theo các băng nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh và lây lan gây hại trên diện rộng.

Vệ sinh, thu dọn cành lá bị bệnh đưa ra khỏi vườn quế đem tiêu hủy, hạn chế lây lan. Có thể sử dụng tạm thời diện tích hẹp các loại thuốc trừ nấm như Anvil 5SC hoặc Tiltsuper 500EC

 – Lưu ý:

Đối với các vùng sản xuất quế hữu cơ: Chỉ sử dụng các biện pháp canh tác, thủ công và biện pháp sinh học. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hóa học, chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc cho phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ. Cần thiết kế và bố trí vùng đệm để cách ly với các vùng sản xuất đại trà theo đúng khoảng cách quy định.

Đối với các diện tích sản xuất quế không đăng ký chứng nhận hữu cơ: Ưu tiên sử dụng các biện pháp canh tác, thủ công và thuốc sinh học. Khi phun thuốc cần chú ý cắm cảnh báo khu vực mới phun thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho người, động vật và cần  đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc theo quy định, thời gian cách ly tùy từng loại thuốc, ít nhất là 15 ngày sau khi phun mới được khai thác, thu hái cành, lá.

ThS. Phạm Thị Lan Anh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: