Xã Tú Lệ, là một vùng đồi, núi và thung lũng rộng gần 3.000 ha thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Về thổ nhưỡng, xã nằm trong vùng đất cổ, có cấu tạo địa chất Indonixit với hệ thống kiến tạo địa máng đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam. Được bao bọc bởi 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán có độ cao thay đổi từ 630 m đến 2033 m. Khu vực trồng lúa nếp có độ cao từ 630 m đến 900 m và được tưới hoàn toàn bằng phương pháp tự chảy. Nơi đây được biết đến với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ, đặc sản nếp dẻo thơm, suối nước khoáng nóng tự nhiên và nổi bật nhất có lẽ là những tập tục thiêng liêng của đồng bào dân tộc người Thái. Cho đến nay người dân Tú Lệ vẫn giữ những nếp sống, thói quen sinh hoạt, nét văn hóa và phong tục tập quán cha ông truyền lại và coi hạt lúa “Nếp Tan” Tú Lệ như hạt ngọc được ông trời ban tặng.
1. Danh tiếng lúa nếp Tú Lệ
Lúa nếp Tú Lệ là giống lúa bản địa được người dân nơi đây gọi bằng tên địa phương là Khảu tan chạu hay còn gọi là nếp Tan lả, khẩu nua Mường Lùng hay nếp tan, là giống lúa được người dân địa phương canh tác từ rất lâu, qua nhiều đời, nó đã trở thành cây lương thực không thể thiếu của người dân Tú Lệ.
Hạt gạo nếp Tú Lệ tròn, trắng trong, ít bạc bụng, rất thơm khi nấu, cơm dẻo, không dính, giữ được mùi thơm và độ dẻo khá lâu. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ mềm mà không quá ướt hay quá khô. Có lẽ nhờ chất lượng thơm ngon và hương vị đặc trưng của giống mà nếp Tú Lệ được người tiêu dùng rất ưa chuộng, du khách thập phương khi dừng chân tại Tú Lệ không lỡ bỏ qua cơ hội thưởng thức món xôi trắng thơm phức được đồ từ loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở vùng đất này, nhờ vậy mà giống nếp này đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Diện tích gieo cấy giống lúa nếp Tú Lệ hiện nay vào khoảng 100 ha, năng suất bình quân 40 tạ/ha.
2. Đặc điểm hình thái cơ bản:
Nếp Tú Lệ thuộc loài Oryza sativa L
– Thời gian sinh trưởng 145 – 150 ngày.
– Chiều cao cây: 120 – 140 cm.
– Thời vụ: Lúa nếp Tú Lệ được gieo cấy 1 vụ (vụ mùa) trong năm.
+ Gieo mạ: Chia làm hai trà: Trà 1 bắt đầu gieo mạ vào đầu tháng 4 âm lịch (khoảng giữa tháng 5 dương lịch); Trà 2 gieo mạ vào giữa tháng 4 âm lịch (khoảng cuối tháng 5 dương lịch).
+ Cấy lúa: Khoảng đầu tháng 5 âm lịch (cuối tháng 6 dương lịch).
+ Thu hoạch: Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch (cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch).
3. Các sản phẩm được chế biến từ lúa nếp Tú Lệ
3.1. Gạo nếp Tú Lệ
– Đặc điểm cảm quan của gạo: Hình dáng hạt gạo: Thon tròn, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ. Màu sắc hạt gạo: Màu trắng sữa, hơi bóng. Mùi: Thơm đậm.
– Chiều dài hạt trung bình: 4,96 ± 0,02mm (thuộc nhóm gạo ngắn hạt theo chuẩn quốc tế);
– Chiều dài hạt/rộng trung bình: 1,62 ± 0,57mm (thuộc nhóm gạo hạt bầu theo chuẩn quốc tế);
– Hàm lượng amylose trung bình: 1,77 ± 0,35% (thuộc nhóm gạo dẻo/nếp so với chuẩn quốc tế);
– Nhiệt độ hóa hồ trung bình: 70 – 74(thuộc nhóm trung bình so với chuẩn quốc tế, tức gạo có chất lượng tốt);
– Hàm lượng proteine trung bình: 7,16 ± 0,19% (thuộc nhóm gạo giàu dinh dưỡng);
– Hàm lượng tinh bột trung bình: 73,73 ± 0,12% (thuộc nhóm trung bình).
– Đặc điểm cảm quan của cơm: Vị ngọt đậm và bùi. Hương: Thơm đậm, đặc trưng. Độ dẻo: Rất mềm, dẻo nhưng không dính tay khi nắm.
3.2. Khẩu hang (Cốm già): Màu trắng trong; mùi thơm.
3.3. Cốm Tú Lệ: Hạt cốm Tú Lệ có màu xanh đậm, có hương vị ngọt ngào, thanh mát.
4. Các tài liệu liên quan
– Năm 2016, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Yên Bái thực hiện đề tài khoa học: Chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
– Ngày 13/10/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ.
– Ngày 25/9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 2203/QĐ – UBND về việc “Công nhận làng nghề trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm từ Nếp Tan Tú Lệ, thôn Nà Lóng và thôn Phạ Dưới xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái ”.
– Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 4926/QĐ-SHTT, ngày 29/12/2020 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ”.
– Sản phẩm gạo nếp Tú lệ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao tại Quyết định số 3417/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
– Cục Trồng trọt đã ra Quyết định số 281/QĐ-TT-CLT, ngày 28/7/2023 về việc công nhận lưu hành đặc cách giống lúa nếp Tú Lệ.
– Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng số: VN-15-140-04630-23-23, ngày 17/10/2023 cho Hợp tác xã nông nghiệp Tú Lệ với diện tích 11 ha trồng tại thôn Nà Lóng và thôn Phạ Dưới xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái