CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Một số biện pháp phòng trừ “Bọ xít muỗi” hại Chè

Ngày đăng: 11/10/2023
  1. Đặc điểm hình thái

     – Bọ xít muỗi Helopeltis theivora là loài đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng như chè, ca cao, tiêu, điều, bông, cây có múi, xoài, khoai lang.

    – Bọ xít muỗi ưa sống ở những nơi ẩm thấp. Trên chè, bọ xít muỗi tập trung hại nhiều ở những chỗ râm mát, rậm rạp.

     – Bọ xít muỗi kích thước nhỏ khoảng 4 – 10 mm. Toàn thân có màu nâu xanh, đầu có màu nâu. Trứng đẻ vào mô lá, cành non. Ấu trùng thường tập trung ở búp chè hay lá non cạnh búp chè

  1. Triệu chứng:

     – Bọ xít muỗi trưởng thành và ấu trùng đều gây hại cây chè, bọ xít dùng vòi chọc thủng các phần mô mền của lá hoặc quả để hút dinh dưỡng, tạo nên vết màu nâu đậm.

    – Số lượng vết châm của bọ xít non nhiều nhưng nhỏ vì bọ xít non ít di chuyển. Mùa hè thu số lượng vết châm nhiều hơn mùa đông. 

    – Bọ xít muỗi thường gây hại tập trung gây ra những vết hoại tử trên lá non và búp.

    – Búp và lá chè non bị mất nhựa và biến dạng cong queo, khô và đen, cây sinh trưởng chậm, còi cọc làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất trà và còn ảnh hưởng đến lứa hái sau.. Chè con chưa đốn bị hại nặng không lớn được.

  1. Điều kiện phát sinh gây hại

– Bọ xít muỗi phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25-28oC, ẩm độ > 90%, vì thế chúng thường hoạt động mạnh vào sáng sớm hoặc chiều tối. Ngày âm u bọ xít muỗi hoạt động mạnh hơn ngày nắng, đặc biệt những ngày mưa bọ xít muỗi xuất hiện và phá hoại nặng. Trời nắng, nóng chúng ẩn dưới lá.

– Ở Miền bắc, 01 năm có 8 lứa dịch hại, chia 3 thời kỳ chính: Từ tháng 4 đến tháng 6 bắt đầu xuất hiện số lượng nhỏ gây hại ít. Từ tháng 7 đến tháng 9 mật độ cao nhất và gây hại nghiêm trọng. Từ tháng 10 đến tháng 12 mật độ tương đối cao và gây hại tương đối nhiều. Các giống chè khác nhau, mức độ gây hại của bọ xít muỗi khác nhau. Bọ xít muỗi hại nặng trên 2 giống TRI 777 và 1A. Bọ xít muỗi thường trú ngụ trên các cây ký chủ phụ như cây ổi, sim, mua…

  1. Biện pháp phòng trừ

a) Biện pháp canh tác, sinh học

– Vệ sinh vườn, loại bỏ cỏ dại, chặt bỏ các cây ký chủ phụ của bọ xít muỗi ở trên trong và xung quanh nương chè làm mất nơi trú ngụ của bọ xít muỗi.

– Trồng và chăm sóc cây chè đúng kỹ thuật để cây khỏe mạnh, tầng biểu bì lá dày sẽ hạn chế được sự phá hại của bọ xít muỗi hoặc có khả năng phục hồi nhanh khi bị bọ xít muỗi phá hại.

– Thường xuyên kiểm tra nương chè để phát hiện, đánh giá để có các quyết định kịp thời, đặc biệt vào thời điểm bọ xít muỗi phát sinh gây hại nặng.

– Thiên địch của bọ xít muỗi là ong ký sinh, nhện, chuồn chuồn, bọ ngựa và một số loại kiến, bọ rùa.

b) Biện pháp hóa học

– Để theo dõi bọ xít muỗi, có thể đếm trực tiếp bọ xít trên lá hoặc theo dõi liên tục tỷ lệ lá bị hại. Trên cơ sở theo dõi mật độ, tỷ lệ búp bị hại, kết hợp với số lượng thiên địch có trên vườn, tình hình thời tiết khí hậu, biện pháp thu hái…để quyết định có nên sử dụng thuốc trừ sâu hay không.

– Khi mật độ bọ xít muỗi tăng nhanh, phun phòng trừ bằng các loại thuốc như: Actara 25 WG, Trebon 10 EC, Bulldock 25EC, Javitin 36EC, Acimetin 5EC, Comda 250EC, Dylan  2EC; Map Winner 5WG; Mikmire 2.0EC; … theo liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Đảm bảo thời gian cách ly đúng quy định với từng loại thuốc bảo vệ thực vật. Đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì, để vỏ bao bì thuốc sau khi sử dụng vào đúng nơi quy định.

 

Ths. Phạm Thị Lan Anh 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: