CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH YÊN BÁI

YEN BAI CROP PRODUCTION AND PLANT PROTECTION SUB DEPARTMENT

Dự báo dịch hại chủ yếu trên một số cây trồng chính và những giải pháp bảo vệ sản xuất vụ Đông năm 2023

Ngày đăng: 06/10/2023

Sản xuất vụ Đông bên cạnh nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết còn chịu sự phát sinh gây hại khá phức tạp của nhiều đối tượng sâu, bệnh hại. Dự báo trong điều kiện sản xuất vụ Đông năm 2023, một số sâu, bệnh hại chính có nguy cơ phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cây trồng vụ Đông và giải pháp phòng trừ:

Theo nhận định của trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái: Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Yên Bái trong năm khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN. Có 2 – 3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Yên Bái gây ra các đợt mưa kéo dài. Cuối tháng 9 – đầu tháng 11 là thời gian chuyển mùa nên đây là thời kỳ thường hay xảy ra tố lốc, gió giật mạnh, mưa đá nhất là khi có không khí lạnh (KKL) tràn về nén rãnh áp thấp.

– Nhiệt độ: Nền nhiệt độ trung bình phổ biến tháng 9 – 10 ở mức cao hơn từ 0.5 – 1,00C so với TBNN. Tháng 11 phổ biến cao hơn từ 0,5 – 1,50C với TBNN.

– Lượng mưa: Trong tháng 9 tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 5 – 10%. Tháng 10-11 tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN.

– Thủy văn: Tháng 9 đến tháng 10, trên các sông suối trong tỉnh khả năng xuất hiện từ 2 – 4 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 – 4m. Đỉnh lũ trên các sông suối trong tỉnh phổ biến ở mức BĐ1. Tháng 11, mực nước trên sông Thao, sông Ngòi Hút, sông Nậm Kim chủ yếu biến đổi chậm; sông Chảy, sông Ngòi Thia dao động theo điều tiết của thủy điện phía thượng lưu.

I. Cơ cấu giống và khung thời vụ

1. Ngô

Giống:

– Ngô tẻ: NK4300, NK4300Bt/GT; NK66Bt/GT, NK67Bt/GT, NK6253, NK6275, HT119; SSC131; SSC585, LVN24, LVN667, LVN092, AG59, CP811, CP111, CP511, CP311, CP512, CP501s, DK6919s, DK9955s, GS9989, DTC6869;

– Ngô nếp chiếm tỷ lệ 15 – 20% diện tích, gồm các giống: MX4, MX10, HN68, HN88, HN92, TBM18, Ngô ngọt VNS8.

– Ngô sinh khối SSC 586.

Thời vụ gieo trồng: Trên đất 2 vụ lúa hoàn thành trước 05/10; ngô nếp, ngô rau hoàn thành trước 15/10; Trên đất soi bãi kết thúc trong tháng 9.

  1. Khoai tây

Giống: Marabel, Diamant, Atlantic, VT2.

Thời vụ gieo trồng: Trên đất 2 vụ lúa hoàn thành trước ngày 15/11 để thu hoạch kịp thời vụ gieo trồng lúa vụ Đông xuân; Đối với khoai tây trên đất bãi, thời vụ trồng kết thúc trước ngày 25/12.

  1. Khoai lang

Giống: Hoàng long, KL12, KL15 và các loại khoai lang nhật, giống địa phương.

Thời vụ gieo trồng: Kết thúc trước 15/10.

  1. Rau, đậu

Giống: Sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, theo hướng sản xuất an toàn.

Thời vụ gieo trồng: Trồng rải vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

II. Dự báo tình hình dịch hại chủ yếu trên một số cây trồng chính vụ Đông 2023

  1. Trên cây ngô

– Sâu xám gây hại thời kỳ cây con.

– Sâu keo mùa thu gây hại thời kỳ cây con – loa kèn.

– Bệnh vi khuẩn hại lá giai đoạn cây con (lưu ý ngô trồng trên đất 2 vụ lúa).

– Bệnh lùn sọc đen gây hại mạnh giai đoạn ngô 3 – 6 lá.

– Rệp hại chủ yếu giai đoạn ngô xoáy nõn – trỗ cờ từ giữa tháng 11 – tháng 12. Mức độ gây hại khả năng cao hơn cùng kỳ năm trước.

– Sâu cắn lá tiếp tục hại từ cuối tháng 10 – tháng 11. Mức độ hại khả năng thấp hơn cùng kỳ năm trước

– Bệnh khô vằn, đốm lá nhỏ, đốm lá lớn: Hại chủ yếu từ giữa tháng 11 – tháng 12.

– Sâu đục thân, đục bắp, châu chấu hại cục bộ. Chuột hại giai đoạn mới gieo và hại mạnh trên bắp vào tháng 12.

  1. Trên cây rau họ hoa thập tự (Su hào, bắp cải, các loại rau cải ăn lá,…)

– Sâu tơ hại chủ yếu trà chính vụ từ cuối tháng 12. Mức độ hại khả năng tương đương cùng kỳ năm trước.

– Sâu khoang, sâu xanh hại cục bộ trà chính vụ tháng 11. Mức độ hại khả năng cao hơn cùng kỳ năm trước.

– Rệp hại rộng các trà rau, hại nặng trà chính vụ từ tháng 11. Mức độ hại khả năng tương đương cùng kỳ năm trước.

– Bọ nhảy hại cục bộ, hại nặng trà chính vụ từ tháng 11. Mức độ hại khả năng cao hơn cùng kỳ năm trước.

– Bệnh sương mai hại chủ yếu rau chính vụ. Bệnh thối nhũn, chuột hại cục bộ.

  1. Trên cây khoai tây, cà chua

– Bệnh mốc sương gây hại mạnh từ giữa tháng 12. Mức độ hại khả năng cao hơn cùng kỳ năm trước.

– Bọ trĩ, rệp gây hại mạnh vào từ đầu tháng 12 trở đi.

– Nhện trắng, nhện đỏ: Hại chủ yếu trên khoai tây sớm – đại trà từ cuối tháng 11.

– Ruồi đục lá: gây hại chủ yếu giai đoạn cà chua phát triển thân – lá.

– Bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh xoăn lá do virus, sâu khoang gây hại cục bộ.

Trên cây hoa (hoa hồng, hoa cúc)

– Nhện đỏ: gây hại trên lá, ngọn giai đoạn cây phát triến thân lá – ra hoa (có thể phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết khô hạn).

– Bệnh đốm đen: Gây hại trên lá, thân cành, nụ hoa, hoa… nhưng chủ yếu là trên lá (bệnh hại nặng trong điều kiện mưa ẩm).

– Bệnh phấn trắng: gây hại trên lá, cành non và cả trên nụ hoa, nhưng chủ yếu vẫn là trên lá. Bệnh phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ không khí trên 85%, nhiệt độ từ 18oC – 20oC.

Ngoài ra có một số đối tượng dịch hại khác như: rệp sáp; bệnh thán thư; bệnh sùi cành do vi khuẩn; bệnh xoăn lá do virus…

III. Biện pháp phòng trừ dịch hại cây trồng

  1. Biện pháp thủ công, sinh học

– Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng trước và sau khi trồng.

– Xử lý hạt giống trước khi trồng, chọn cây giống khoẻ, không bị sâu bệnh hại.

– Luân canh với cây trồng khác họ, bón phân cân đối, mật độ trồng hợp lý.

– Ngắt ổ trứng, thu sâu to, thu gom lá có ổ sâu non đem đốt. Dọn sạch tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh.

– Bảo vệ thiên địch: Kiến 3 khoang, bọ xít 5 cạnh, bọ cánh cứng ăn thịt, nhện, ong ký sinh, bọ rùa…

  1. Biện pháp hóa học:

Khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao thì sử dụng một trong các hoạt chất bảo vệ thực vật để phòng trừ. Cụ thể

a) Trên cây ngô

– Sâu xám: Có thể sử dụng hoạt chất Imidacloprid (Map-Jono 700 WP,…); Cyantraniliprole + Thiamethoxam (Fortenza® Duo 480 FS,…), Thiamethoxam (Cruiser® 350 FS,…);…

– Sâu keo mùa thu: Sử dụng hoạt chất Abamectin + Chlorantraniliprole (Voliam Targo 063 SC,…); Chlorfenapyr (Igro 240 SC, Kepler 240 SC,…); Emamectin benzoate (Angun 5 WG; Proclaim 5 WG,…); Lufenuron (Match 050 EC; Lockin 100 EC,…);…

– Rệp: Có thể sử dụng hoạt chất Deltamethrin (Decis 2.5 EC,…); amectin benzoate (Nazomi 5 WG;…);…

– Sâu đục thân, đục bắp: Có thể sử dụng hoạt chất Carbosulfa (Afudan 3 GR; Vifu-super 5 GR;…); Cartap (Supertar 950 SP; Wofadan 95 SP;…); Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtako 40 WG;…);…

– Bệnh khô vằn: Có thể sử dụng hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5 SC;  Dibazole 5 SC; Hanovil 10 SC;…); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325 SC;…); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC;…);  Epoxiconazole (Opus 75 EC;…);…

– Bệnh đốm lá: Có thể sử dụng hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5 SC;  Dibazole 5SC; Hanovil 10SC;…); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325 SC;…); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC;…);  Epoxiconazole (Opus 75 EC;…);…

b) Trên cây rau họ hoa thập tự

– Sâu tơ: Có thể sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate (Actimax 50 WG;  Angun 5 WG; Dylan 2 EC, 10 WG; …); Emamectin benzoate + Matrine (Nasdaq 150 WG, Gasrice 15 EC, …); Etoxazole (Ac-Toxazol 200 SC,…),…

– Sâu khoang: Có thể sử dụng hoạt chất Abamectin (BP Dy Gan 5.4 EC; Reasgant 3.6 EC,…); Emamectin benzoate (Tasieu 1.9 EC; Angun 5 WG,…); Lufenuron (Lockin 100 EC;…);…

– Sâu xanh: Có thể sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate (AC-max 100 EC, 300 WG, Actimax 50 WG,…); Abamectin (Reasgant 3.6 EC; Shertin 5.0 EC; Silsau 6.5 EC, 10 WP;…); …

– Rệp: Có thể sử dụng hoạt chất Abamectin + Azadirachtin (Fimex 36 EC;…); Abamectin + Emamectin benzoat (Sieufatoc 36 EC;…); Azadirachtin (Minup 0.3 EC; Super Fitoc 10 EC;…); …

– Bọ nhảy: Có thể sử dụng hoạt chất Diafenthiuron (Pesieu 500 SC;…); Emamectin benzoate (Angun 5 WG; July 5EC, 5WG;…); Abamectin (Aremec 45 EC; Agromectin 1.8 EC;…);…

– Bệnh sương mai: Có thể sử dụng hoạt chất Fosetyl-aluminium (Aliette 800 WG;…); Azoxystrobin  + Fenoxanil (Omega 400 SC,…);…

c) Trên cây khoai tây, cà chua

– Bệnh mốc sương: Có thể sử dụng hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 75 WP, 500 SC; Sulonil 750 WP,…); Azoxystrobin (Amistar® 250 SC, Ameed Plus 560 SC,…); Zineb (Zineb Bul 80 WP; Zin 80  WP;…);…

– Bệnh héo xanh vi khuẩn: Có thể sử dụng hoạt chất Cucuminoid + Gingerol (Stifano 5.5 SL;…); Eugenol (Lilacter 0.3 SL;…); Fungous Proteoglycans (Elcarin 0.5 SL;…);…

– Bệnh xoăn lá: Có thể sử dụng hoạt chất Cytosinpeptidemycin (Sat 4 SL;…); Ningnanmycin (Cosmos 2 SL;…); Cucuminoid + Gingerol (Stifano 5.5 SL;…);…

– Ruồi đục lá: Có thể sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate (Comda gold 5 WG, Rholam 20 EC…); Abamectin + Chlorantraniliprole (Voliam Targo 063 SC,…); …

d) Trên cây hoa

– Nhện đỏ: Có thể sử dụng hoạt chất Abamectin (Reasgant 3.6 EC, 5 WG; …); Bifenazate (Buti 43 SC; Floramite 240 SC;…); Chlorfenapyr (Chlorferan 240 SC; Force excel 240 SC;…); Diafenthiuron (Detect 500 SC; Pegasus 500 SC;…); Emamectin benzoate (Tasieu 1.9 EC; Map Winner 5 WG;…); …

– Bệnh đốm đen: Có thể sử dụng hoạt chất Hexaconazole (Anvil® 5 SC; Evitin 50 SC; Tungvil 5 SC…); Imibenconazole (Manage 5 WP;…);…

– Bệnh phấn trắng: Có thể sử dụng hoạt chất Hexaconazole (Anvil® 5 SC; Evitin 50 SC;…); Difenoconazole + Propiconazole (Map super 300 EC;…);…

IV. Một số giải pháp chủ yếu bảo vệ sản xuất vụ Đông

Đề nghị Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, phát hiện dịch hại trên các loại cây trồng. Theo dõi thường xuyên, phát hiện sớm, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại chủ yếu trên từng loại cây trồng, chủ động kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo phòng chống khi có mật dịch hại cao. Tăng cường tổ chức tập huấn đầu bờ, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục phát động phong trào toàn dân diệt chuột. Chú trọng biện pháp thủ công và dùng thuốc sinh học diệt chuột. Hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường. Tăng cường khuyến khích nuôi mèo, bảo vệ thiên địch của chuột. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục và yêu cầu tính cộng đồng cao.

Trong công tác phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng chỉ sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Đặc biệt lưu ý thời gian cách ly từ khi phun thuốc lần cuối đến khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.

Nguyễn Mạnh Tuấn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái


Bài viết mới nhất: